NASA phóng tên lửa hạt nhân lên vũ trụ năm 2025, liệu có nguy hiểm?

Minh Khôi

(Dân trí) - Dự án DRACO với mục đích thử nghiệm tên lửa có lực đẩy hạt nhân (NTP) sẽ được NASA triển khai vào năm 2025.

NASA phóng tên lửa hạt nhân lên vũ trụ năm 2025, liệu có nguy hiểm? - 1

Ảnh minh họa về tàu vũ trụ sử dụng động cơ tên lửa nhiệt hạt nhân của NASA (Ảnh: DARPA).

Theo Space, NASA và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) đang có kế hoạch phóng tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân lên quỹ đạo Trái đất vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Sứ mệnh này có tên viết tắt là DRACO, nhằm mục đích thử nghiệm lực đẩy nhiệt hạt nhân (NTP) trong không gian. Đây được xem là công nghệ mang tính cách mạng, khi có thể giúp nhân loại thiết lập những chuyến bay lên Sao Hỏa và các hành tinh xa xôi khác.

Được biết, tàu vũ trụ DRACO sẽ được phát triển và chế tạo bởi Lockheed Martin, một hãng chuyên chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh... và cung cấp các giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

"Chúng tôi tin rằng công nghệ này sẽ mở ra một thời đại mới cho nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung trong các nhiệm vụ thám hiểm không gian", ông Kirk Shireman, Phó Chủ tịch Lockheed Martin, cho biết trong một tuyên bố.

Sự vào cuộc của NASA là không mấy bất ngờ. Trước đó, cơ quan này từng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với công nghệ NTP.

Vào năm 1979, NASA thậm chí từng suýt chút nữa đã khởi động một sứ mệnh Sao Hỏa có phi hành đoàn trên một tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chương trình có tên là NERVA, và sau đó đã bị hủy.

NASA được cho là vẫn đang nhắm đến Hành tinh Đỏ, với mục tiêu đưa các phi hành gia đặt chân lên hành tinh này vào cuối thập niên 2030 hoặc đầu thập niên 2040.

NASA phóng tên lửa hạt nhân lên vũ trụ năm 2025, liệu có nguy hiểm? - 2

Công nghệ NTP có thể là chìa khóa để đưa nhân loại tới Hành tinh Đỏ (Ảnh minh họa: Getty).

Rõ ràng, tên lửa đẩy hạt nhân vẫn được xem là một bước đột phá quan trọng, có thể làm cho mục tiêu này trở nên khả thi hơn, thông qua cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển.

Tên lửa này về cơ bản sẽ mang theo các lò phản ứng phân hạch nhỏ, giúp giải phóng một lượng nhiệt khổng lồ khi chúng thực hiện quá trình phân tách nguyên tử. Nhiệt này tạo ra dòng khí giãn nở, và được đưa vào một ống phóng, nhằm chuyển hóa thành lực đẩy.

NASA cũng cho biết rằng quá trình này khác với những gì từng được sử dụng bởi các máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG). Đây là công nghệ hạt nhân đã được sử dụng trên các tàu thăm dò từ những ngày đầu của thời đại vũ trụ.

Sự khác biệt nằm ở việc RTG không cung cấp lực đẩy. Quá trình này tập trung khai thác sức nóng của phản ứng phân rã phóng xạ để tạo ra điện, từ đó cung cấp năng lượng cho các động cơ và thiết bị trên tàu.

Trước đó, NASA từng đặt mục tiêu khởi động những cuộc thử nghiệm đầu tiên của chương trình diễn ra trong không gian vào năm 2027. Mục tiêu là đưa tên lửa cùng tàu vũ trụ tới một quỹ đạo tương đối cao, khoảng 700 - 2000 km, và di chuyển xung quanh Trái Đất. 

Các thành viên trong nhóm dự án cho rằng với độ cao như vậy, sẽ mất ít nhất 300 năm để tên lửa có khả năng rơi trở lại Trái Đất thông qua lực cản của khí quyển. Với khoảng thời gian này, nhiên liệu hạt nhân của tên lửa nhiều khả năng đã cạn kiệt, và sẽ không để lại bất kỳ mối đe dọa nào cho cư dân địa cầu.

Theo www.space.com