1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

NASA: "Nhân loại lần đầu tiên thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh"

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh lịch sử của NASA được thực hiện vào ngày 26/9 đã rút ngắn quỹ đạo bay của một tiểu hành tinh nằm cách xa Trái Đất 11 triệu km.

NASA: Nhân loại lần đầu tiên thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh - 1

Hình ảnh được quan sát từ kính viễn vọng SOAR cho thấy tiểu hành tinh Dimorphos kéo theo một "cái đuôi" như một ngôi sao chổi (Ảnh: NOIRLab).

Ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ không người lái DART đã đâm trực diện vào tiểu hành tinh có tên là Dimorphos với tốc độ gần 24.000 km/h, qua đó hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cảm tử được NASA giao phó nhằm chuyển hướng vật thể này.

Tới nay, tròn 15 ngày tính từ khi xảy ra vụ va chạm, NASA đã bắt đầu công bố những tác động đầu tiên mà tàu DART gây ra cho tiểu hành tinh Dimorphos dựa trên những dữ liệu thu thập được, từ đó đánh giá về mức độ hiệu quả của sứ mệnh.

"DART đã rút ngắn quỹ đạo 11 giờ 55 phút xuống còn 11 giờ 23 phút. Việc tăng tốc chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos lên 32 phút vượt quá dự kiến của NASA là 10 phút", Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong một buổi họp báo ngày 11/10.

Theo NASA, vụ va chạm đã thành công chuyển hướng Dimorphos vào một quỹ đạo nhỏ hơn, nhanh hơn, nhưng vẫn quay xung quanh tiểu hành tinh đôi của nó là Didymos. Ước tính, tác động gây ra là khoảng 4% so với quỹ đạo ban đầu.

Cách đây không lâu, Kính viễn vọng Nghiên cứu Vật lý Thiên văn Phương Nam (SOAR) cũng đã quan sát thấy tiểu hành tinh Dimorphos kéo theo phía sau một dải ánh sáng có thể lên tới hàng nghìn km.

Theo các nhà khoa học, phần đuôi này được tạo thành từ bụi và các mảnh vỡ bị thổi bay khỏi bề mặt Dimorphos sau khi xảy ra va chạm với tàu vũ trụ DART.

Đây được xem là một thành tựu lớn của nhân loại, vì trước đó, chúng ta không ai biết rằng liệu kỹ thuật này có thực sự hiệu quả như trong tính toán hay không.

NASA: Nhân loại lần đầu tiên thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh - 2

Mô phỏng vụ va chạm của tàu DART với tiểu hành Dimorphos (Ảnh: NASA).

Sứ mệnh trị giá 324 triệu USD cũng đánh dấu một bước ngoặt đối với NASA - vốn dĩ là cơ quan dân sự chủ yếu chỉ tập trung vào việc thăm dò, theo dõi khí hậu và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trong hệ Mặt Trời của chúng ta.

Thông qua thử nghiệm, các nhà khoa học giờ đây có thể tìm hiểu vụ va chạm tác động ra sao tới chuyển động của các tiểu hành tinh gần Trái Đất trong không gian, từ đó hướng đến khả năng tự bảo vệ trước các mối lo từ vũ trụ.

Trong tương lai, việc làm chệch hướng bay của một tiểu hành tinh nguy hiểm ra khỏi quỹ đạo của nó hướng tới Trái Đất chắc chắn sẽ là một giải pháp có cơ sở.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm một kỹ thuật phức tạp nhằm di chuyển một tiểu hành tinh bằng cách sử dụng các khả năng và hệ thống của riêng mình", Brent Barbee, một thành viên của nhóm sứ mệnh DART và là một kỹ sư hàng không tại NASA cho biết. "Đó là một cột mốc quan trọng đối với loài người chúng ta. DART chính là thứ mà loài khủng long năm xưa không có, khiến chúng bị tuyệt chủng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm