NASA hé lộ kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Lò phản ứng hạt nhân sẽ được xây dựng trên Trái Đất và sau đó đưa tới Mặt Trăng, nhằm cung cấp năng lượng cho việc tồn tại lâu dài, cũng như khám phá không gian trong tương lai.

NASA hé lộ kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng - 1

Hình minh họa một hệ thống điện phân hạch trên bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: NASA)

Trong nhiều năm, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã coi phân hạch hạt nhân là lựa chọn năng lượng thiết thực nhất cho các chuyến du hành vũ trụ trong tương lai.

Để hiện thực hóa điều này, NASA đang triển khai bước tiếp theo là chế tạo một lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng. "Năng lượng chính là chìa khóa cho hành trình khám phá không gian trong tương lai", Jim Reuter, đại diện cho Ban Giám đốc Nhiệm vụ Công nghệ Không gian (STMD) của NASA cho biết.

Theo NASA, một hệ thống phân hạch nhỏ, nhẹ - có khả năng hoạt động trên tàu đổ bộ Mặt Trăng - có thể cung cấp năng lượng điện lên đến 10 kilowatt, đủ để đáp ứng nhu cầu điện của một vài hộ gia đình trung bình.

Tuy nhiên để thực hiện nghiên cứu, NASA và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) sẽ cần một hệ thống có thể sản xuất ít nhất 40 kilowatt điện, tương đương với mức tiêu thụ của khoảng 30 hộ gia đình trong tối đa 10 năm.

NASA hé lộ kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng - 2

Ảnh đồ họa mô phỏng tàu vũ trụ với hệ thống đẩy hạt nhân. (Ảnh: NASA)

Dự kiến, lò phản ứng sẽ được xây dựng trên Trái Đất và sau đó đưa tới Mặt Trăng. Kế hoạch cho hệ thống điện nhiệt hạch bề mặt bao gồm lõi lò phản ứng dùng nhiên liệu uranium, hệ thống biến đổi năng lượng hạt nhân thành điện có thể sử dụng, hệ thống quản lý nhiệt để làm mát.

Một số yêu cầu khác gồm khả năng tự tắt mà không cần sự can thiệp từ con người, vận hành từ sàn trạm đổ bộ Mặt Trăng, tháo rời và chạy trên hệ thống di động để di chuyển tới địa điểm khác.

Được biết, thiết kế ban đầu của lò phản ứng hạt nhân sẽ được hoàn thiện trước ngày 19/2/2022, và được triển khai hóa trong thời gian 12 tháng.

"Cung cấp một hệ thống năng lượng cao, đáng tin cậy trên Mặt Trăng là một bước quan trọng tiếp theo trong quá trình khám phá không gian của con người và việc đạt được nó nằm trong tầm tay của chúng tôi", Sebastian Corbisiero - Kỹ sư cấp cao, trưởng Dự án Năng lượng phân hạch tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho của DOE cho biết.

Nếu dự án này thành công, chúng ta sẽ có đủ năng lượng không chỉ để tồn tại lâu dài trên Mặt Trăng, mà còn cho phép khám phá, thậm chí là thuộc địa hóa Sao Hỏa. Đây cũng là mục tiêu "tối thượng" mà chương trình Artemis do NASA dẫn đầu đang nỗ lực đưa loài người đến ngày một gần hơn.