Năng suất chất lượng quyết định khả năng cạnh tranh
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tại Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020".
Với Mục tiêu "Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020".
Chương trình có 09 dự án thành phần, trong đó, 08 dự án do các Bộ chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Dự án 9 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì.
Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, Chương trình đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với khoảng 13.000 TCVN (đạt tỉ lệ 60% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 QCVN do các Bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp.
Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên, giảng viên một số trường Đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của hoạt động này.
"Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia... đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh", lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, năng suất là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Vai trò của năng suất ngày càng được khẳng định, đặc biệt là khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, để thay đổi lại và thích nghi trong bối cảnh mới đó là áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất.
Cũng theo Thứ trưởng Định, chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập quốc tế sâu rộng, của bùng nổ về khoa học công nghệ với cuộc cách mạng lần thứ 4, quá trình số hóa, xu hướng kết hợp thực-ảo, sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, đã và đang mang đến sự thay đổi vượt bậc về nâng suất. Chính vì thế, Chương trình trong giai đoạn tới phải có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tới cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp tiên phong chi phối nền kinh tế đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Yếu tố nâng cao năng suất chất lượng sẽ được nhìn nhận ở các khía cạnh cơ hội khác nhau. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng của Chương trình", Thứ trưởng Định nói.