Nắng lên, phơi quần áo có mùi thơm: Nhiều người hiểu nhầm nguyên nhân

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phơi thử khăn dưới ánh nắng trực tiếp của Mặt Trời và phát hiện thấy điều kỳ lạ không nhiều người nghĩ đến.

Nắng lên, phơi quần áo có mùi thơm: Nhiều người hiểu nhầm nguyên nhân - 1

Quần áo phơi khô tự nhiên có mùi thơm đặc biệt. Đây là điều không mới. Thậm chí đã có những bài thơ nói về nó, hay các nhà sản xuất còn cố tạo ra hương liệu có mùi tương tự để cho vào nến và phụ kiện làm thơm phòng.

Tuy nhiên, nguồn gốc của mùi thơm này lại là điều mà ít người nghĩ đến.

Nếu được hỏi, đa số mọi người có lẽ cho rằng quần áo khi phơi có mùi thơm là do sử dụng nước xả vải, hoặc còn lưu lại từ bột giặt, giấy thơm,…

Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh điều ngược lại, rằng ngay cả không có những "yếu tố phụ gia" này, quần áo, khăn vải vẫn có mùi thơm tươi mát khi phơi khô tự nhiên trong nắng. 

Cụ thể, trong một đề tài nghiên cứu được thực hiện ở Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch, các nhà khoa học thử phơi khăn thí nghiệm ngoài ban công dưới mái che bằng nhựa và ngoài ban công có ánh nắng trực tiếp của mặt trời.

Sau khi khăn khô, họ cất khăn vào các túi kín trong 15 giờ, đồng thời lấy mẫu các hợp chất hóa học tỏa ra không khí từ các túi này. 

Đáng chú ý, chỉ duy nhất quá trình phơi khô dưới nắng mặt trời sản là sinh ra một số aldehyde (an-đê-hít) và ketone (xê-tôn) mà các quá trình khác không có, đó là những phân tử hữu cơ mà mũi chúng ta có thể ngửi được từ cây cỏ và nước hoa

Thí dụ, sau khi phơi trong nắng, những chiếc khăn tỏa ra chất pentanal - có trong hạt bạch đậu khấu, chất octanal - hợp chất có mùi thơm của cam chanh, và chất nonanal - ngửi giống mùi hoa hồng. 

Nắng lên, phơi quần áo có mùi thơm: Nhiều người hiểu nhầm nguyên nhân - 2

Lý giải cho hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng một số hóa chất trong khí quyển sau khi tiếp xúc với ozone, có thể biến đổi thành các aldehyde và ketone.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với tia cực tím có trong ánh sáng Mặt Trời, một số phân tử trở nên "hoạt hóa" và hình thành các hợp chất hoạt động mạnh được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do này sau đó tái kết hợp với các phân tử khác ở gần kề, quá trình này thường tạo ra các aldehyde và các ketone.

Một lý do khác là do nước trong khăn ẩm chứa rất nhiều các phân tử dễ bị hoạt hóa đó và rồi nước có vai trò như "một chiếc kính lúp", hội tụ ánh nắng mặt trời và đẩy nhanh tốc độ của các phản ứng này. 

Các quá trình tương tự cũng xảy ra trên bất cứ bề mặt tự nhiên nào ngoài trời, kể cả đất trống và từng lá cỏ, có thể một phần là do mặt trời sau mưa lớn làm cho mọi thứ đều có mùi tươi mát.