1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nam Cực đang được “phủ xanh” do hiện tượng nóng lên toàn cầu

(Dân trí) - Sự nóng lên toàn cầu đã khiến những khối băng khổng lồ ở hai cực- vốn là nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất thế giới tan ra, đẩy mực nước biển dâng cao, gây ra những hiểm họa khôn lường cho toàn thế giới. Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, nó lại tạo nên một hiện tượng hết sức kỳ thú đó là sự “xanh hóa” Nam Cực.

Nhà khoa học Dominic Hodgson và cộng sự là những người đầu tiên thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về hiện tượng “kỳ thú” ở vùng cực này, mà cụ thể là khu vực bán đảo Nam Cực- phần tận cùng về phía Bắc của châu lục lạnh giá nhất thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng chính là một trong những địa điểm trên trái đất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của hiệu ứng nhà kính. Các thống kê đã chỉ ra rằng, kể từ năm 1950, cứ mỗi một thập kỷ, nhiệt độ trung bình ở bán đảo này lại tăng lên 0,556oC. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình của toàn trái đất từ năm 1880 đến nay chỉ tăng 0,778oC.

Bức ảnh cho thấy thực trạng sự “xanh hóa” của Nam Cực.
Bức ảnh cho thấy thực trạng sự “xanh hóa” của Nam Cực.

Theo ông Dominic Hodgson, bán đảo Nam Cực đang bị “xanh hóa” với một tốc độ chóng mặt. “Nếu bạn chụp một bức ảnh tại vùng bán đảo Nam Cực vào 50 năm trước, sẽ không có gì ngoài một màu trắng xóa bao phủ của những khối băng và sông băng. Tuy nhiên, bức hình mà chúng tôi ghi lại cách đây không lâu cũng tại khu vực này, cho thấy sự hiện hữu của rất nhiều mảng màu xanh”- Dominic Hodgson nói.

Cận cảnh loài rêu đang “xanh hóa” Nam Cực.
Cận cảnh loài rêu đang “xanh hóa” Nam Cực.

Qua những khảo sát tại hiện trường bán đảo Nam Cực của nhóm nghiên cứu, qúa trình “xanh hóa” này được thực hiện chủ yếu do sự phát triển mạnh mẽ của một loài rêu cổ đại, vốn vẫn tồn tại âm thầm ở khu vực lạnh giá này từ hàng triệu năm trước.

Nhóm của Dominic Hodgson cũng đã tiến hành thu thập những mẫu rêu từ 3 vùng khác của bán đảo Nam Cực là: Đảo Voi, đảo Ardley và đảo Xanh. Các phân tích cho thấy, những mẫu rêu được thu thập đã có tuổi đời lên đến 150 năm và có sự phát triển đột biến kể từ năm 1950 do sự tăng cao nhiệt độ, làm tan những mảng băng vốn đóng vai trò “ướp lạnh” và kìm hãm loài rêu này trong suốt một thời gian dài. Đồng thời, khí hậu ấm hơn cũng đã tạo ra môi trường sống thuận lợi, kích thích sự sinh trưởng của chúng.

Kết quả này của nhóm nghiên cứu đã đưa đến kết luận về sự tác động một cách toàn diện và đáng báo động, của hiện tượng nóng lên toàn cầu đến bán đảo Nam Cực nói riêng và châu Nam Cực nói chung.

Thảo Vy

Theo DM