Nam Cực đã nóng lên gấp 2-3 lần mức trung bình của hành tinh
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới của các nhà địa vật lý Hoa Kỳ, sau thời kỳ băng hà cuối cùng của Trái đất đỉnh điểm là cách đây 20.000 năm, nhiệt độ ở Nam Cực đã tăng gấp 2-3 lần nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Trong khoảng thời gian từ 10.000 đến 20.000 năm về trước, Nam Cực đã ấm lên khoảng 11 độ C, mặc dù nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới chỉ tăng khoảng 4 độ C. Sự chênh lệch này làm nổi bật thực tế là cả Bắc Cực và Nam Cực đều chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Các tính toán về sự gia tăng nhiệt độ phù hợp với ước tính của hầu hết các mô hình khí hậu, chứng tỏ các mô hình này làm tốt nhiệm vụ đánh giá các điều kiện khí hậu trong quá khứ và rất có thể là cả các điều kiện tương lai trong thời đại biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Các mô hình dự báo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, Nam Cực sẽ ấm hơn gấp 2 lần phần còn lại của hành tinh, mặc dù nhiệt độ này sẽ không đạt mức đỉnh điểm trong vài trăm năm tới. Trong kịch bản biến đổi khí hậu triển vọng nhất dựa vào phát thải khí nhà kính thông thường, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 3 độ C vào năm 2100 và Nam Cực được dự báo sẽ ấm lên khoảng 6 độ C.
Phân tích dựa vào thực tế là khi thế giới ấm lên sau thời điểm lạnh nhất của kỷ băng hà cuối cùng cách đây 20.000 năm, băng nằm sâu bên trong các sông băng Nam Cực đã ấm lên chậm hơn so với bề mặt Trái đất. Hiện tượng này được ví giống như một con gà tây đông lạnh được đưa vào lò nóng nhưng vẫn sẽ lạnh bên trong, ngay cả khi mặt ngoài đã đạt đến nhiệt độ của lò. Bằng cách đo sự chênh lệch nhiệt độ, cụ thể là băng của 20.000 năm trước nằm sâu trong lớp băng ở Tây Nam Cực lạnh hơn bề mặt khoảng 1 độ C, các nhà khoa học đã ước tính nhiệt độ ban đầu dựa vào tốc độ băng tinh khiết ấm lên.
Gary Clow, đồng tác giả nghiên cứu đã tiến hành đo đạc hai lần (vào năm 2011 và 2014) nhiệt độ trong lỗ khoan sâu 3,4 km từ lõi băng Sheet Divide ở Tây Nam Cực trong khuôn khổ một dự án 8 năm kết thúc vào năm 2011. Băng ở dưới cùng của lỗ khoan đã lắng đọng cách đây 70.000 năm; khoảng 1/6 băng được hình thành cách đây khoảng 50.000 năm; và khoảng 1/3 phần băng tiếp theo lên đến bề mặt là cách đây 20.000 năm.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật để kết hợp các số đo nhiệt độ là kết quả của sự khuếch tán nhiệt trong băng, với các số đo đồng vị của băng thời xa xưa để ước tính nhiệt độ nóng lên là 11,3 độ C (cộng hoặc trừ 1,8 độ C). Điều thú vị là, nhiệt độ Nam Cực đã tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ Bắc Cực sau khi băng đạt giá trị cực đại. Cách đây 15.000 năm, Nam Cực đã ấm hơn khoảng 75% so với mức nhiệt độ của ngày nay. Bắc Cực cần thêm 3.000 - 4.000 năm để đạt mức gia tăng nhiệt độ này, chủ yếu là do Bắc bán cầu có các dải băng khổng lồ để giảm nóng lên. Và những thay đổi trong các dòng hải lưu và hình dạng quỹ đạo của Trái Đất đã tăng tốc độ nóng lên ở Nam Cực.
Hiện nay, nóng lên toàn cầu chủ yếu là do con người phát thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, khác với các chu trình tự nhiên. Khả năng các đại dương hấp thụ CO2 không thể theo kịp sự gia tăng khí thải nhà kính trong khí quyển, có nghĩa là CO2 và nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi con người giảm phát thải CO2.
N.P.D-NASATI (Theo Phys)