1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nấm có thể được sử dụng tạo ra “điện sinh học” trong tương lai

(Dân trí) - Trong một tương lai không xa, với phát hiện mới nhất, các nhà khoa học hi vọng sẽ tạo ra nguồn điện sinh học nhờ nấm và vi khuẩn.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Stevens, New Jersey, Mỹ, vừa có một phát hiện đang chú ý khi thử nghiệm thành công tạo ra một mạng lưới điện cực sử dụng nấm kết hợp với vi khuẩn lam (cyanobacteria) và bao phủ bằng một loại vật liệu đặc biệt gọi là graphene để thu nguồn điện phát ra.

Nấm, vi khuẩn lam kết hợp với màng Graphene là một “tổ hợp nhà máy điện sinh học” mới được các nhà khoa học thử nghiệm thành công.
Nấm, vi khuẩn lam kết hợp với màng Graphene là một “tổ hợp nhà máy điện sinh học” mới được các nhà khoa học thử nghiệm thành công.

Graphene có nguồn gốc từ graphite (than chì). Màng graphene chỉ dày bằng bề dày của một nguyên tử carbon. Đây là chất liệu mỏng nhất hiện nay.

Tiếp đó lợi dụng đặc tính của vi khuẩn lam có khả năng sản sinh ra điện nhờ khả năng quang hợp với ánh sáng mặt trời, các nhà khoa học đã tạo ra thành công một nguồn năng lượng sinh học bất ngờ.

"Hệ thống của chúng tôi đã tạo ra điện bằng cách kết hợp vi khuẩn lam, nấm với vật liệu nano graphene có khả năng thu thập dòng điện. Chúng tôi có thể sẽ tạo ra hệ thống điện sinh học hoàn toàn mới", giáo sư Manu Mannoor, Viện Công nghệ Stevens, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Bên cạnh đó, trong một báo cáo được công bố trên tờ Nano Letters, các nhà nghiên cứu cũng cho cách thức để vi khuẩn lam có thể tồn tại trên bề mặt của nấm. Điều này vô cùng quan trọng trong “tổ hợp nhà máy điện sinh học”.

Điện áp sản sinh ra với hệ thống điện sinh học từ nấm, vi khuẩn lam khá nhỏ, chỉ cỡ 65 nanoAmps nên không đủ cung cấp năng lượng hoạt động cho bất kỳ một thiết bị điện nào.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, với một hệ thống gồm nhiều cây nấm được làm tương tự thì hoàn toàn có thể tạo ra đủ năng lượng để thắp sáng một bóng đèn LED có công suất thấp.

“Với công trình này, chúng ta có thể tưởng tượng ra những cơ hội to lớn cho các ứng dụng lai sinh học thế hệ tiếp theo”, giáo sư Manu Mannoor nhấn mạnh.

Trang Phạm (Theo Independent)