Mục tiêu năm 2020 đạt 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ thất bại?

(Dân trí) - Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên con số đăng ký doanh nghiệp KH&CN ở thời điểm hiện tại mới chỉ hơn… 500.

Mục tiêu năm 2020 đạt 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ thất bại? - 1

Số lượng doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp KH&CN mới chỉ đạt được 10% mục tiêu. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh thừa nhận trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách.

Bộ trưởng cũng cho hay, nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp,… và các văn bản hướng dẫn các Luật trên để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN nhằm  đảm bảo  sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH,CN & Đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cơ chế đánh giá, thẩm định, công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ… được thực hiện thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước.

Đối với các tỉnh, thành phố, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp về đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hoạt động chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Mặc dù có những động thái tích cực trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhưng con số doanh nghiệp được cấp chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN ở mức vô cùng khiêm tốn khi chỉ khoảng hơn… 500, nghĩa là mới chỉ đạt được hơn 10% mục tiêu.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ: Doanh nghiệp KH&CN sẽ có hai khái niệm. Thứ nhất là theo Luật có đăng ký là doanh nghiệp KH&CN được hưởng các ưu đãi thuế. Thứ hai, đi về bản chất là có các doanh nghiệp hoạt động về khoa học và công nghệ nhưng chưa đăng ký.

Mục tiêu năm 2020 đạt 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ thất bại? - 2

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thừa nhận công tác truyền thông khoa học và công nghệ vẫn còn hạn chế. 

Thứ trưởng Duy cũng thẳng thắn thừa nhận, việc có nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký là doanh nghiệp KH&CN vì công tác truyền thông khoa học và công nghệ vẫn còn hạn chế. Chưa phối hợp được với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền tốt và rộng rãi hơn nữa về cách thức để nộp hồ sơ là doanh nghiệp KH&CN, các ưu đãi về KH&CN…

Trao đổi riêng với Dân trí, Lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) thông tin thêm: Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ đâu đó thì nhiều nhưng họ chưa xin đăng ký cấp.

Nguyên nhân có thể là một số doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi ở các ngành khác. Chẳng hạn như doanh nghiệp nằm trong khu công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư mới; doanh nghiệp sản xuất ở địa bàn khó khăn… Trong khi đó ưu đãi khi đăng ký cấp là doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì không hơn quá nhiều.

Qua các thống kê và đánh giá tiềm năng thì số liệu doanh nghiệp khoa học và công nghệ chắc chắn là hơn 3000 thậm chí còn hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc các doanh nghiệp này có đăng ký là doanh nghiệp khoa học và công nghệ hay không là tùy thuộc vào họ. Ở đây ngành cũng chỉ cố gắng tuyên truyền, phổ biến, làm chính sách tốt hơn, vận động các doanh nghiệp tham gia.

“Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã kiến nghị nhiều và cũng đưa ra nhiều giải pháp. Sau khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 với ưu đãi tốt hơn, cơ chế thông thoáng hơn nên số doanh nghiệp đăng ký cũng tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên vừa qua lại dịch bệnh Covid nên các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn nên họ cũng chưa đăng ký bởi muốn được hưởng ưu đãi thì phải đáp ứng được điều kiện nền”, lãnh đạo này nói.

Nguyễn Hùng