Mức độ tiếp xúc ánh nắng mặt trời của mẹ liên quan đến khả năng học tập của trẻ sau này
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Scotland cho biết những đứa trẻ có mẹ không nhận đủ ánh nắng mặt trời khi mang thai có khả năng gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập.
Phát hiện này bắt nguồn từ dữ liệu trên hơn 422.000 trẻ ở độ tuổi đến trường ở Scotland. Mức độ tiếp xúc với tia UVB (không phải tia UVA) thấp trong cả thời kỳ mang thai có liên quan tới khả năng học tập kém sau này.
Vì chỉ tia UVB có liên quan nên các nhà nghiên cứu nghi ngờ ảnh hưởng này có liên quan tới sự thiếu hụt sản sinh vitamin D.
Theo các nhà nghiên cứu, tiếp xúc với vitamin D trong 3 tháng đầu thai kỳ là cần thiết để phát triển não của bào thai.
Tỷ lệ trẻ em gặp khó khăn trong học tập thay đổi theo tháng thụ thai. Tỷ lệ này dao động từ 17% ở những trẻ được thụ thai vào tháng 7 tới 21% ở những trẻ được thụ thai vào tháng 2, 3 và 4, khi mức độ tiếp xúc ánh nắng mặt trời thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu này không chỉ ra mối quan hệ nhân quả.
Tác giả nghiên cứu chính, Jill Pell, Giám đốc Viện Sức khỏe và Hạnh phúc thuộc ĐH Glasgow cho biết: “Các khó khăn trong học tập có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài cho cả trẻ bị ảnh hưởng và gia đình của trẻ. Điều quan trọng là nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra một cách khả thi để ngừa tình trạng này ở một số trẻ. Cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng để xác định xem việc bổ sung vitamin D trong thời kỳ mang thai có thể làm giảm nguy cơ gặp khó khăn trong học tập này hay không
Nghiên cứu được đăng trên tờ Scientific Reports.
Nguyễn Hà
Theo Upi