Một vụ nổ hủy diệt nghiêm trọng gần lớn bằng vụ nổ Big Bang
(Dân trí) - Các nhà thiên văn học đã chụp được chi tiết các hình ảnh tuyệt đẹp của một vụ nổ hủy diệt cực lớn trong vũ trụ.
Vụ nổ này sáng chói và có cường độ mạnh đến nỗi một người quan sát từ Trái Đất cũng có thể nhìn thấy nó dưới dạng một cặp sao đôi, cho dù nó xảy ra ở cách chúng ta tận 10 tỷ năm ánh sáng.
Đây là một vụ nổ tia gamma – sự kiện xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ chết đi và nổ tung để tạo thành một lỗ đen mới.
Được gọi là GRB 160625B, vụ nổ này mạnh đến mức lượng năng lượng mà nó phát ra chỉ trong vài giây lớn bằng toàn bộ năng lượng của một ngôi sao phát ra trong 10 tỷ năm.
Vì sự kiện này đã xảy ra từ rất lâu khi vũ trụ còn tương đối trẻ - mới chỉ khoảng 3,8 tỷ năm tuổi – nên đã mang đến cho các chuyên gia một cái nhìn thoáng qua về quá khứ.
Vụ nổ sáng đến mức bạn có thể nhìn thấy nó bằng 1 cặp ống nhòm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath đã sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất MASTER-IAC để chụp ảnh lại vụ nổ này, và cho rằng chỉ có 1/10.000 cơ hội được nhìn thấy nó.
Trưởng khoa vật lý của Đại học Bath – giáo sư Carole Mundell – cho biết “vụ nổ đó sáng đến mức bạn có thể nhìn thấy nó bằng 1 cặp ống nhòm”.
Vụ nổ xảy ra cách đây 10 tỷ năm.
Chúng thường diễn ra ngay lập tức, nhưng lần này chúng ta đã nhận được một chớp sáng kéo dài trong một giây giống như một sự báo hiệu. Sau đó, nó có một độ trễ khoảng 100 giây, giúp cho chúng ta có đủ thời gian để định vị các kính thiên văn. Điều này khá là bất thường, và vụ nổ cũng kéo dài hơn so với bình thường, đó thật là vài phút may mắn”.
Tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tự nhiên này – tiến sĩ Eleonora Troja từ Đại học Maryland – cho biết “Vụ nổ tia gamma là sự kiện thảm khốc, do sự phát nổ của của một ngôi sao khổng lồ lớn gấp 50 lần kích thước mặt trời của chúng ta. Chỉ trong vài giây, quá trình này phát ra một lượng năng lượng mà một ngôi sao có kích thước giống mặt trời phát ra trong toàn bộ cuộc đời của nó”.
Các nhà khoa học mới chỉ biết đến duy nhất một vụ nổ lớn hơn so với sự kiện này – đó chính là vụ nổ Big Bang.
Anh Thư (Tổng hợp)