Một ngày trên Trái Đất cách đây 70 triệu năm kéo dài bao lâu?
(Dân trí) - Nghiên cứu mới đã tìm hiểu vỏ hóa thạch của động vật thân mềm sống cách đây 70 triệu năm cho biết, khi đó một ngày trên hành tinh chúng ta kéo dài khoảng 23,5 giờ và một năm có 372 ngày.
Từ đó có thể suy ra là cách đây 70 triệu năm, Trái Đất xoay nhanh hơn bây giờ. Ngắn hơn chỉ nửa giờ đồng hồ mỗi ngày, điều đó không có gì quá lớn nhưng với chúng ta ngày nay thì lại rất đáng chú ý khi mà nhiều người luôn thấy thiếu thời gian.
Kết quả nghiên cứu này rất có thể là đúng nhờ vào chất lượng của hóa thạch và chất lượng ảnh độ phân giải cao chụp các vòng phát triển của hóa thạch động vật. Các nhà khoa học có thể quan sát từng vòng phát triển của động vật và đưa ra một lịch trình khá chính xác về vòng quay ngày, đêm vào thời gian mà chúng sinh sống. Các vỏ này lớn nhanh hơn về ban ngày và chậm hơn về ban đêm.
Thật thú vị khi chúng ta có thể nhìn được vào quá khứ của Trái Đất, và điều này còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về một lĩnh vực nghiên cứu khác, đó là mối liên hệ giữa Mặt Trăng và Trái Đất. Trong nhiều tỉ năm, một năm của Trái Đất gần như không thay đổi nhưng thời lượng của một ngày thì lại thay đổi. Đó là do lực kéo của Mặt Trăng đối với nước trong các đại dương trên hành tinh chúng ta, lực hút này làm chậm dần vòng xoay của Trái Đất qua hàng trăm triệu năm.
Đồng thời, mỗi năm Mặt Trăng cũng đang chầm chậm rời xa dần khỏi Trái Đất. Sự thay đổi này rất nhỏ, chưa đến 5cm/ năm, nhưng vẫn có thể đo được. Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu nói trên để xác định niên đại của các hóa thạch khác và tìm hiểu kĩ hơn về thời lượng của một ngày trong mọi thời điểm lịch sử của Trái Đất.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cổ hải dương học và Cổ khí hậu học.
Phạm Hường
Theo BRG