Mì ăn liền bị thu hồi ở châu Âu, Việt Nam chưa có quy định về chất Ethylene oxide

Trường Thịnh Tiểu Minh

(Dân trí) - Trước thông tin, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Việt Nam có chứa Ethylene oxide (EO), Bộ Công Thương cho rằng, nước ta chưa có quy định về chất EO.

Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định về chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Thực tế trên thị trường đến nay người tiêu dùng trong nước vẫn tiêu thụ và sử dụng sản phẩm mì ăn liền này.

Hàm lượng EO trong sản phẩm - chuyện không lạ ở Châu Âu

Cuối tuần qua trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương đã đăng tải nội dung "Kiểm soát dư lượng EO trong thực phẩm khi xuất khẩu" do Vụ Khoa học và công nghệ công bố. Theo thông tin của Bộ Công Thương, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo. Trong đó nhiều nhất là Hà Lan với hơn 200 cảnh báo, tiếp đó là Đức (90), Bỉ (79).

Mì ăn liền bị thu hồi ở châu Âu, Việt Nam chưa có quy định về chất Ethylene oxide - 1

Điều đáng nói là các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, như các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến, các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, ngũ cốc. Trong đó đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nay nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.

Việc thời gian qua, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt, v.v.

Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Trước đó, Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty ACECOOK Việt Nam cùng với mì ăn liền Yato Seafood của Trung Quốc hồi tháng 8/2021, với lý do có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của châu Âu. Còn văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki của Hàn Quốc vì có hàm lượng EO cao. Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về 2 sản phẩm mì ăn liền khác cũng của Hàn Quốc.

Việt Nam chưa quy định, người dân vẫn sử dụng bình thường?

Trong thực tiễn thương mại quốc tế gần đây, các vấn đề tranh chấp về các quy định, các biện pháp hàng rào kỹ thuật về TBT (TBT) và các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật SPS (biện pháp SPS) ngày càng được đưa ra nhiều hơn. Hệ thống cảnh báo vi phạm, quyết định thu hồi, quyết định cấm nhập khẩu liên quan đến TBT và SPS cũng được ban hành nhiều hơn.

Mì ăn liền bị thu hồi ở châu Âu, Việt Nam chưa có quy định về chất Ethylene oxide - 2

Chẳng hạn, năm 2019, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố này đã ra lệnh thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do có sử dụng chất phụ gia thực phẩm axit benzoic, axit sorbic. Cách đây ít ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương.

Theo các chuyên gia, từ các sự việc trên một vấn đề là các bộ, ngành hữu quan và các DN ngành thực phẩm, đồ uống lẽ ra phải truyền thông đầy đủ tới người tiêu dùng từ lâu, chứ không phải khi hữu sự mới lao vào tìm hiểu. Đó là, chất EO (ETO) được dùng nhiều để khử trùng, kể cả tẩy rửa nguyên liệu thực phẩm. 

Liên minh châu Âu (trong đó có Ireland) không chấp nhận thực phẩm đóng gói chứa EO nhưng một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thì chấp nhận. Vậy, tại thị trường Việt Nam thì thế nào? Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế thì EO là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Vì thế, xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam thì các sản phẩn như mì ăn liền Hảo Hảo lại tuân thủ đúng các quy định trong nước. 

Mới đây, ông Kajiwara Junich, Tổng Giám đốc Công ty ACECOOK Việt Nam - Công ty sản xuất mì ăn liền Hảo Hảo khẳng định, tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất-lưu trữ. Các nhà cung cấp nguyên liệu cũng khẳng định với Acecook Việt Nam rằng không sử dụng EO trong quy trình sản xuất. Thực tế trên thị trường đến nay người tiêu dùng trong nước vẫn tiêu thụ và sử dụng sản phẩm mì ăn liền này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm