Mexico nghiên cứu thành công nhiên liệu sinh học từ tảo xoắn
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị Coahuila (Uadec) của Mexico mới đây tuyên bố đã phát triển thành công nhiên liệu sinh học từ một loài vi tảo.
Nghiên cứu khoa học này thực hiện trên loài tảo xoắn Spirulina platensis - một loại vi tảo dạng sợi xoắn do nhiều tế bào đơn cấu tạo - được biết đến như một nguyên liệu đầy hứa hẹn cho sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến thế hệ thứ 3.
Nhà nghiên cứu Héctor Ruiz Leza cho biết tảo xoắn có thể sống ở các môi trường khác nhau từ nước mặn, nước lợ, nước ngọt hay trên đất không canh tác, do vậy sẽ không gây ảnh hưởng tới diện tích đất canh tác truyền thống. Ngoài ra, loài tảo này có khả năng xử lý nước thải.
Ông Héctor Ruiz Leza đánh giá, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, chi phí nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo Spirulina platensis sẽ giảm xuống, qua đó hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng đối với ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, với nhiều giá trị dinh dưỡng và sinh học như giàu protein (60-70% trọng lượng khô của tảo) trong khi thịt bò chỉ có 21%, bên cạnh các loại acid amin chủ yếu có tỷ lệ vượt trội so với chuẩn của Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO), hệ số tiêu hóa protein cũng rất cao với 80-85%, các vitamin nhóm B, hàm lượng vitamin B12, caroten cao, cùng với các khoáng vi lượng (kẽm, sắt…), tảo Spirulina platensis còn được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và mỹ phẩm./.
Theo Việt Hùng (TTXVN/Vietnam+)