Mexico là vùng đất của các loài khủng long?
(Dân trí) - Sau khi có thêm nhiều hóa thạch khủng long đang được xác định và khai quật, Mexico hóa ra lại thật sự là vùng đất của các loài khủng long. Gần đây nhất là việc phát hiện một con khủng long ăn cỏ có bàn chân dài gần 1m ở miền Bắc Mexico.
Mới đây, nhà cổ sinh vật học người Mexico – Hector Rivera Sylva, trưởng phòng cổ sinh vật học của Bảo tàng Sa mạc Coahuila, Mexico – đã cùng với chuyên gia sinh học Ruben Guzman Cutierrez khai quật hài cốt của một con khủng long ăn cỏ ở khu vực Ocampo, bang Coahuila, Mexico.
Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật Mexico đã chính thức thông báo về phát hiện này và tiết lộ các chi tiết đầu tiên của phát hiện. Theo các chuyên gia, các nhà khảo cổ đã có thể khai quật thành công gần như nguyên vẹn xương sọ của con khủng long – đây là lần đầu tiên trong lịch sử khai quật khủng long.
Loài khủng long mới được tìm thấy được đặt tên là “Yehuecauhceratops mudei” – tên này dựa trên các đặc điểm của nó và khu vực tìm thấy hóa thạch: “yehuecauh” là một từ Nahuatl có nghĩa là “cổ đại”, trong khi “ceratops”có nghĩa là một “gương mặt có sừng” theo tiếng Hy Lạp, và “mudei” được đặt để tôn vinh bảo tàng nơi các nhà nghiên cứu thực hiện việc nghiên cứu hài cốt của con khủng long khai quật được.
Hộp sọ của con khủng long này có một “chỗ lồi lên hoặc mỏ” đáng chú ý, làm cho phát hiện này trở nên độc đáo, bởi vì không còn hài cốt nào khác tìm thấy ở Bắc Mỹ có đặc điểm đặc trưng này. Hơn thế nữa, con khủng long mới được phát hiện này có chiều dài nhỏ hơn đáng kể so với các loài khủng long ăn cỏ được tìm thấy trước đó. Đây là lý do tại sao các nhà khoa học lại phân loại Yehuecauhceratops mudei là một loài hoàn toàn mới trong số các loài khủng long được phát hiện từ trước tới nay.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra hóa thạch của các loài khủng long bay nổi tiếng Peterosaur cũng như Albertosaurus ở Mexico. Các chuyên gia cổ sinh vật học cho rằng các loài khủng long này đã sống ở gần đó, khoảng 70 triệu năm trước khi Mexco còn là một đầm lầy ven biển và vùng ngập nước. Đó là lý do tại sao họ rất lạc quan khi cho rằng vẫn còn rất nhiều khủng long bị chôn sâu dưới lòng đất Mexico. Đây là một dấu hiệu cho thấy Mexico là vùng đất của các loài khủng long và nó vẫn còn phần lớn chưa hề được khám phá.
Anh Thư (Theo SWR)