Máy dò bom hạt nhân phát hiện loài cá voi mới "ẩn náu" ở Ấn Độ Dương
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể cá voi xanh lùn hoàn toàn mới ở Ấn Độ Dương nhờ máy dò bom hạt nhân dưới nước.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra loài vật mới này bằng dữ liệu âm thanh thu thập được từ máy dò bom hạt nhân dưới nước, một âm thanh độc đáo mà các nhà khoa học chưa từng nghe trước đây.
Quần thể mới của cá voi xanh lùn, một phân loài nhỏ hơn của cá voi xanh có chiều dài tối đa 24m, hiện được gọi là quần thể Chagos, theo tên một nhóm đảo ở Ấn Độ Dương gần hang của chúng.
Phát hiện nhờ máy do bom
"Cá voi xanh hiện nay rất khó tìm do tình trạng đánh bắt cá voi công nghiệp tràn lan và khả năng chúng phục hồi rất chậm", tác giả chính Emmanuelle Leroy, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại UNSW cho biết.
Theo Trung tâm Đa dạng Sinh học, số lượng cá voi xanh sống ở Nam bán cầu trước khi bị con người săn bắt có khoảng 350.000 con nhưng hiện tại loài này chỉ còn khoảng 5.000 đến 10.000 con còn sống.
"Một số ít còn lại thường đơn độc và nằm rải rác trên các khu vực địa lý rộng lớn. Vì vậy cách tốt nhất để nghiên cứu chúng là thông qua giám sát âm thanh thụ động. Nhưng điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có những chiếc hydrophone ghi âm ở các khu vực khác nhau của đại dương.", ông Lorey cho biết.
Đặc biệt, ở Ấn Độ Dương, có rất ít các mảng âm thanh khoa học được thiết lập. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang các máy dò bom hạt nhân dưới nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), một nhóm quốc tế sử dụng mạng lưới chuyển tiếp âm thanh dưới nước toàn cầu để phát hiện các vụ thử bom hạt nhân bất hợp pháp trên đại dương.
Điều này cho phép các nhà nghiên cứu truy cập vào một tập dữ liệu dài hạn về âm thanh trên khắp Ấn Độ Dương.
Âm thanh chưa từng nghe thấy
Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một âm thanh đặc biệt của cá voi xanh mà trước đây chưa từng được nghe.
"Các âm thanh phát ra của cá voi xanh rất đơn giản, thường lặp đi lặp lại cùng một mẫu. Nhưng mỗi phân loài và quần thể cá voi xanh có một kiểu âm thanh khác nhau.", ông Lorey cho biết.
Nhìn chung, âm thanh phát ra của cá voi xanh thường có tần số thấp đôi khi dưới mức con người có thể nghe được (dưới 20 hertz) và được lặp lại đều đặn.
Nhưng các nhóm cá voi khác nhau có âm thanh khác nhau cả về thời lượng, cấu trúc và số lượng các phần riêng biệt.
Tracey Rogers, nhà sinh thái học biển tại Đại học New South Wales (UNSW) ở Úc cho biết: "Trong gần 18 năm qua, âm thanh mới của loài cá voi này đã trở nên phổ biến ở Ấn Độ Dương. Chính vì sự phổ biến của âm thanh phát ra, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng âm thanh này thuộc về một quần thể hoàn toàn mới chứ không chỉ là một vài cá thể đơn độc. Tuy nhiên, kích thước chính xác của quần thể mới này vẫn còn là một bí ẩn.
Ông Leroy nói: "Thật không may, chúng tôi không biết về kích thước của quần thể cá voi xanh lùn. Các khảo sát chưa thể cung cấp cho chúng tôi thông tin này".
Cần xác định bằng mắt thường
Rogers cho biết: "Việc tìm thấy một quần thể cá voi xanh lùn ở Nam bán cầu là một điều thú vị. Nó làm tăng dân số toàn cầu mà trước đây chúng tôi không tìm ra".
Việc xác định bằng mắt thường vẫn cần thiết để xác nhận chắc chắn sự tồn tại của quần thể Chagos, nhưng các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng đây sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Vào tháng 12 năm 2020, một nghiên cứu khác sử dụng khảo sát âm thanh, trong đó ông Rogers và ông Leroy là đồng tác giả, đã phát hiện ra một quần thể cá voi xanh mới khác gần Oman.
Ông Rogers cho biết: "Điều này hiện đưa chúng ta đến với năm quần thể cá voi xanh lùn ở Ấn Độ Dương khiến khu vực này trở thành điểm nóng để phát hiện các loài bí ẩn khác".