"Mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc sẽ được hoàn thành trong năm 2019
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng, “Mặt Trời nhân tạo" của họ được thiết kế mô phỏng quá trình tổng hợp hạt nhân mà Mặt Trời thực sự sử dụng để tạo ra năng lượng đã đạt được cột mốc 100 triệu độ C.
Lò phản ứng siêu dẫn Tokamak (EAST) của Trung Quốc là lò phản ứng nhiệt hạch còn có biệt danh “Mặt Trời nhân tạo”.
Trước những tiến bộ mới, các quan chức của quốc gia đông dân nhất thế giới tin rằng họ sẽ kết thúc việc xây dựng một Mặt Trời nhân tạo mới trong năm nay và thiết bị này sẽ có thể đạt được một cột mốc về nhiệt độ, đưa chúng ta đến một bước gần hơn để khai thác sức mạnh của phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Duan Xuru, một quan chức của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc, đã tuyên bố trong phiên họp thường niên của Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc rằng, các kỹ sư sẽ kết thúc việc xây dựng lò Tokamak HL-2M trong năm 2019.
"Plasma của Mặt Trời nhân tạo chủ yếu bao gồm các electron và ion”. Các thiết bị Tokamak hiện tại đã đạt được nhiệt độ trên 100 triệu độ C”, Duan Xuru tiết lộ.
Theo Duan, lò Tokamak HL-2M sẽ có thể đạt được nhiệt độ 100 triệu độ C, nóng hơn khoảng 7 lần so với nhiệt độ của Mặt Trời thật.
Nhiều nhà khoa học đánh giá rằng nếu thành công thì trong tương lai, giấc mơ về năng lượng sạch không giới hạn đang có một bước gần hơn với thực tế.
Khôi Nguyên (Theo Science Alert)