1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Mặt Trời đánh sập kênh phát thanh bước sóng ngắn trên Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Bức xạ điện từ Mặt Trời có thể tạo ra những vụ nổ năng lượng mạnh mẽ, thậm chí đánh gục các vệ tinh hoặc cơ sở hạ tầng ở Trái Đất.

Mặt Trời đánh sập kênh phát thanh bước sóng ngắn trên Trái Đất - 1

Bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng tới hệ thống lưới điện và liên lạc trên Trái Đất trong nhiều ngày khi đạt tới cực đại (Ảnh: NASA).

Ngày 9/2, bức xạ từ Mặt Trời đã gây ra sự gián đoạn tạm thời của một kênh phát thanh bước sóng ngắn trên khu vực biển Thái Bình Dương.

Theo SpaceWeather, khởi nguồn của sự việc là một vết đen Mặt Trời khổng lồ, trải dài khoảng 100.000 km trên bề mặt của Mặt Trời và hướng về Trái Đất. Vết đen này được các nhà khoa học tạm gọi là AR3213.

Theo cảnh báo từ SpaceWeather, Mặt Trời đang trong một giai đoạn hoạt động mạnh mẽ, với chu kỳ kéo dài gần 11 năm. Trong thời gian này, các vết đen trên bề mặt Mặt Trời sẽ xuất hiện, tạo ra những đợt phun trào bức xạ Mặt Trời cường độ lớn và liên tục, còn gọi là các tai lửa.

Hệ quả của nó là giải phóng những tia bức xạ có khả năng gây hại tới nhiều địa điểm, và Trái Đất là một trong số đó. Trong một vài trường hợp cá biệt, hoạt động này đủ sức tạo ra những vụ nổ năng lượng mạnh mẽ, có thể đánh gục các vệ tinh hoặc cơ sở hạ tầng khác.

Nghiên cứu từ một nhóm các nhà khoa học của Đại học Boston (Mỹ) và Đại học Thụy Điển thậm chí cho rằng bức xạ từ Mặt Trời có thể khiến một số người gia tăng nguy cơ đau tim, dẫn đến tử vong.

Vào năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sức khỏe Môi trường đã nêu bật tác động "gần như ngay lập tức" của tương tác này đối với hoạt động của tim, làm tăng "nguy cơ tử vong toàn bộ và tử vong do tim mạch ở 263 thành phố của Mỹ". 

Mặt Trời đánh sập kênh phát thanh bước sóng ngắn trên Trái Đất - 2

Tàu thăm dò Parker hoạt động ở khu vực cách Mặt Trời chỉ 6,2 triệu km trong một sứ mệnh của NASA (Ảnh: NASA).

Với việc Mặt Trời đang tiến tới điểm cực đại trong chu kỳ 11 năm vào năm 2025, NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang ráo riết theo dõi 24/7 "người hàng xóm" thông qua những hệ thống kính viễn vọng, vệ tinh... ở nhiều bước sóng khác nhau.

Họ hy vọng rằng việc phát hiện sớm các vụ nổ năng lượng trên bề mặt Mặt Trời, cũng như tần suất của bức xạ trong không gian sẽ là lời cảnh báo sớm cho những thảm họa có thể diễn ra trên Trái Đất.

Ngành khoa học vũ trụ cũng đang đẩy mạnh để tìm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của Mặt Trời thông qua việc tiếp cận "người hàng xóm" của chúng ta.

Nổi bật có thể kể đến là các sứ mệnh Tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA được triển khai từ năm 2018, và tàu SolO của ESA được triển khai vào năm 2020.

Mỗi chu kỳ Mặt Trời có thời gian trung bình khoảng 11 năm, kéo dài từ giai đoạn cực tiểu này đến giai đoạn cực tiểu tiếp theo. Ban dự đoán Chu kỳ Mặt Trời (SCPP) cảnh báo Mặt Trời của chúng ta đang chính thức bước vào chu kỳ hoạt động được gọi là Chu kỳ Mặt Trời 25 hay Solar Cycle 25.

Chu kỳ này được cho là đã bắt đầu từ tháng 12/2019, kéo dài 11 năm, và đạt "cực đại" vào tháng 7/2025. Khi đó, tại Trái Đất có thể sẽ xảy ra một gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hư hỏng vệ tinh, ảnh hưởng đến hệ thống điện.