1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Lý giải vị trí đặt tượng “moai” bí ẩn trên đảo Phục Sinh

Phạm Hường

(Dân trí) - Những bức tượng trên đảo Phục Sinh nằm trong số những vật thể bí ẩn do con người tạo ra.

Đảo Phục Sinh là một hòn đảo ở đông nam Thái Bình Dương, thuộc chủ quyền Chile, nằm ở cực đông nam Tam giác Polynesia. Đảo Phục Sinh nổi tiếng vì 887 bức tượng đá, gọi là moai, được tạo ra bởi người Rapa Nui cổ. Năm 1995, UNESCO công nhận đảo Phục Sinh là một Di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn quốc gia Rapa Nui.

Chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào người xưa di chuyển được chúng, vì sao họ đặt chúng ở những vị trí cụ thể quanh đảo và họ tạo ra chúng với mục đích gì. Mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta đã tìm ra một số câu trả lời. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bức tượng này được đặt ở gần các nguồn nước ngọt. 

Lý giải vị trí đặt tượng “moai” bí ẩn trên đảo Phục Sinh - 1

Người ta tin rằng cư dân của Rapa Nui – tên bản địa của đảo Phục Sinh – bắt đầu tác những bức tượng này vào thế kỷ XIII. Tượng được gọi là moai và có bệ đá gọi là ahu.

Sở dĩ tượng và bệ tượng thường được giữ nguyên theo tiếng bản địa vì đặc điểm của chúng vô cùng độc đáo, không tương đồng với bất kỳ tượng hay bệ tượng ở những nơi khác trên thế giới. Hầu hết các bức tượng này nặng từ 20 đến 30 tấn. Và trong số cả nghìn bức tượng trên đảo, có khoảng 400 tượng đã được di chuyển đi xa khỏi mỏ đá nơi chúng được tạc nên, sau đó được đặt lên trên các ahu ở khắp đảo.

Nhưng các ahu không phải nằm ở bất kỳ đâu trên đảo mà ở một số địa điểm nhất định. Và câu hỏi mà chúng ta đặt ra là vì sao ahu và moai được đặt ở một số nơi nhất định mà không phải là những nơi khác trên đảo?

Nhà nhân chủng học Carl Lipo của Trường đại học Binghamton, Mỹ, nói rằng hầu hết các tượng điêu khắc này được tìm thấy ở dọc bờ biển, nhưng có một số ít lại ở sâu trong đất liền và chỉ ở một số địa điểm nhất định chứ không ở bất cứ đâu. Ví dụ như các nhà nghiên cứu không tìm thấy ahu và moai trên đỉnh đồi, là những nơi mà theo suy luận sẽ là nơi đặt những vật mang tính biểu tượng hoặc đại diện cho tổ tiên của người dân nơi đây vì nếu muốn trưng bày cho mọi người đều thấy những vật mang tính đại diện hoặc các tác phẩm sáng tạo của mình thì các đỉnh đồi là những nơi lý tưởng.

Như vậy các bức tượng không chỉ là những tấm bùa hộ mệnh và để cho mọi người được chiêm ngưỡng từ xa. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng người dân dành phần lớn cuộc đời mình sống và làm việc quanh những nơi có tượng, vì thế họ cho rằng các bức tượng có thể được đặt gần một nguồn tài nguyên quý giá nào đó. 

Câu hỏi đặt ra là: nguồn tài nguyên nào, nước, nước ngọt, hải sản hay đất trồng trọt? Tài nguyên nào trong những thứ này hay sự kết hợp nào giữa chúng có thể lý giải thuyết phục nhất cho vị trí của ahu trong đất liền?

Các phân tích số liệu chỉ ra rằng nước ngọt là kết quả hợp lý nhất. Nhà nhân chủng học Lipo nói rằng “mỗi khi chúng tôi tìm thấy một nguồn nước ngọt lớn thì đều có một bức tượng và một ahu ở đó. Và chúng tôi nhận thấy điều này lặp đi lặp lại. Còn những nơi không có nguồn nước ngọt, chúng tôi không tìm thấy tượng và ahu.”

Nhưng điều đó không có nghĩa là những cấu trúc nhân tạo này dùng để đánh dấu nguồn nước giống như một tấm bảng ghi rằng “hãy lấy nước ở đây”, mà có lẽ chính những cộng đồng dân cư bản địa đã kết nối với những nguồn tài nguyên này, họ sống ở nơi có nguồn nước và đặt tác phẩm của mình ở nơi mình sinh sống.

Dường như rất nhiều những tác phẩm điêu khắc khổng lồ này được đặt ở những nơi đó vì những lý do hoàn hoàn thực dụng: chúng ta sẽ dựng tượng ở đây bởi vì đây là nơi chúng ta muốn sống.