Lực cắn "ngàn cân" của khủng long bạo chúa đáng sợ cỡ nào?
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân tại sao khủng long bạo chúa có cơ hàm mạnh đến vậy. Sự khác biệt đến từ cấu trúc cơ và khớp hàm dưới của chúng.
Loài khủng long bạo chúa (tên khoa học: Tyrannosaurus) sở hữu lực cắn khủng khiếp, có thể nghiền nát xương của con mồi, khiến nó trở thành những kẻ đi săn đáng sợ trong thời kỳ khủng long còn thống trị.
Mới đây, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân tại sao khủng long bạo chúa có cơ hàm mạnh đến vậy. Hóa ra, điều đó bắt nguồn từ một mẩu xương hình boomerang, nằm tại vị trí ở hàm dưới trong cấu trúc xương mặt của khủng long.
Được biết, không giống như động vật có vú, các loài bò sát và họ hàng gần của chúng có một khớp nằm ở xương hàm dưới của chúng, hay còn gọi là khớp hàm dưới (viết tắt là IMJ).
Đối với các loài thằn lằn, rắn và chim ngày nay, khớp IMJ được liên kết bởi các dây chằng, khiến nó tương đối linh hoạt, John Fortner - một nhà khảo cổ sinh vật học ở trường Đại học Missouri (Columbia) cho biết.
Sự linh hoạt đó giúp "kẻ đi săn" duy trì tốt hơn khả năng bám chặt vào con mồi đang vật lộn, đồng thời cho phép cơ hàm có thể co giãn, thậm chí uốn cong rộng để ngọam vừa những con mồi cỡ lớn.
Có thể thấy ở rùa và cá sấu, quá trình tiến hóa đã khiến IMJ trở nên khá hoàn thiện và linh hoạt, tạo điều kiện cho lực cắn rất mạnh. Tuy nhiên chúng vẫn chưa thể so với các sinh vật cổ đại có kích thước lớn như khủng long bạo chúa.
Dựa theo các mô phỏng được thực hiện bởi máy tính, các nhà khoa học cho biết với một chiếc xương kéo dài từ khớp IMJ, khủng long Tyrannosaurus có thể tạo ra lực cắn lớn hơn 6 tấn, tương đương với trọng lượng của một con voi đực trưởng thành ở châu Phi.
Với một lực cắn như vậy, khủng long bạo chúa có thể dễ dàng nghiền nát xương của con mồi, khiến nó gần như từ bỏ hoàn toàn ý định thoát thân.
Trên thực tế, dựa trên các bằng chứng hóa thạch - bao gồm những mẫu coprolit hay phân hóa thạch, chứa đầy các mảnh xương đã được tiêu hóa một phần - cho thấy rằng nhiều con mồi của khủng long bạo chúa thực sự có thể đã bị "bóp chết" theo cách như vậy.
Ngoài ra, một khớp IMJ linh hoạt có thể đóng vai trò như một "bộ giảm xóc", giúp cơ hàm của khủng long tránh thương tổn khi hạ gục, hoặc khi tấn công con mồi.
Khủng long bạo chúa xuất hiện cách đây khoảng 68 triệu năm và là một trong những loài khủng long trên cạn cuối cùng. Chúng chỉ sống được trong một thời gian ngắn trước khi sự kiện Tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng xảy ra.
Một con khủng long bạo chúa trưởng thành sở hữu bộ hàm dài khoảng 1,2m có chứa 60 chiếc răng dài hơn 30,5cm. Chúng cũng sở hữu những thần kinh khứu giác to, cho phép ngửi thấy mùi thức ăn từ rất xa, khoảng cách 1 dặm, tương đương 1,6km.
Mặc dù là thú săn mồi đáng sợ, nhưng dựa vào những dữ liệu được thu thập từ các hóa thạch, các nhà khoa học đã nhận định rằng, khủng long bạo chúa chỉ có tuổi thọ khoảng 30 năm, khá ngắn so với các loài khủng long 4 chân khác, có thể sống tới 100 năm.