Lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể gây ra sóng thần mạnh ở Alaska
(Dân trí) - Các nhà khoa học tuyên bố rằng lớp băng vĩnh cửu tan chảy ở Alaska (một tiểu bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) có thể gây ra sóng thần kinh hoàng.
Các chuyên gia cảnh báo về liên hệ giữa sự nóng lên nhanh chóng và sạt lở đất đang đe dọa các thành phố và các điểm du lịch. Nghiên cứu mới cho thấy băng tan ở Alaska có thể làm xói mòn đá và gây ra sóng thần.
Một trong các khu vực có vấn đề là dốc Vịnh hẹp Barry Arm, nơi nhìn ra tuyến du thuyền nổi tiếng. Sạt lở trên núi gần Barry Glacier bắt đầu xảy ra vào đầu thế kỷ XX. Mười năm trước, các quá trình này đã tăng tốc rất nhiều. Năm nay, vấn đề được phát hiện bằng cách sử dụng các bức ảnh vệ tinh.
Nếu một trận lở đất ập xuống vịnh hẹp, sóng cao tới hàng trăm mét có thể tấn công các tàu trong khu vực gần những ngọn núi đó, và làm ngập địa điểm du lịch nổi tiếng, đánh vào thị trấn Whittier.
“Khi khí hậu thay đổi, mặt đất cần có thời gian để điều chỉnh. Nếu sông băng tan đi rất nhanh, điều đó có thể khiến các sườn núi xung quanh bị "đột ngột" và sụt lở", nhà địa chất Bretwood Higman, người từng làm việc tại vịnh hẹp Taan và Barry Arme cho biết.
Sau khi xem xét các bức ảnh vệ tinh cách đây 30 năm, nhà địa chất Erin Bessett-Kirton phát hiện ra rằng lở đất ở dãy núi St Elijah và vịnh Glacier ở Alaska đã xảy ra trong những năm ấm áp nhất.
Theo bà, hiện tại các nhà khoa học không rõ lắm về cơ chế sạt lở.
"Chúng tôi biết về mối tương quan, nhưng vẫn chưa nghiên cứu rõ lực chuyển động khiến núi lở", bà giải thích.
Trong thế kỷ qua, 10 trong số 14 trận sóng thần cao nhất được ghi nhận đã xảy ra ở các vùng núi băng. Năm 1958, một trận lở đất ở Vịnh Lituya, Alaska, tạo ra con sóng cao 524 mét - cao nhất trong số con sóng từng được ghi nhận.