Lợi ích sức khỏe không ngờ của tỏi tây
(Dân trí) - Tỏi tây chứa nhiều chất xơ, các chất chống oxy hóa nhưng chứa lượng calo thấp. Tỏi tây cũng có thuộc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút, kháng nấm, giàu axit folic, canxi, kali và vitamin C, sắt, Vitamin A và K, niacin, riboflavin, thiamin, magiê và nhiều loại vitamin, khoáng chất khác.
1. Chống lại các gốc tự do có hại trong cơ thể
Sự hiện diện của các hợp chất chứa lưu huỳnh như 'allicin' trong tỏi tây giúp chống lại các gốc tự do có hại trong cơ thể. Tác dụng này là do trong quá trình tiêu hóa, allicin tạo ra axit sulfenic, một hợp chất trung hòa các gốc tự do nguy hiểm nhanh hơn bất kỳ hợp chất nào khác.
2. Làm giảm nguy cơ ung thư
Tỏi tây chứa loại flavonol có tên là 'kaempferol' có thể giúp chống ung thư. Khi được sử dụng với lượng lớn, người ta tin rằng tỏi tây có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày và đại trực tràng. Là một nguồn chứa allyl sulphides phong phú, chúng có thể chặn các con đường liên quan đến sự phát triển của các khối u ác tính. Kaempferol có khả năng tăng cường sức khỏe của con người. Ngoài việc giảm nguy cơ ung thư, kaempferol còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, bảo vệ tim mạch, chống oxy hóa, chống đái tháo đường và cũng được cho là làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính khác.
3. Hỗ trợ sức khỏe tim mạnh
Tỏi tây cũng có lợi cho tim của bạn. Sự có mặt của flavonol 'Kaempferol' trong tỏi tây giúp bảo vệ lớp niêm mạc mạch máu bằng cách tăng cường sản xuất oxit nitric giúp các mạch máu giãn ra và thư giãn. Chúng hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giữ cân bằng 'homocysteine', vì loại hormon này ở hàm lượng cao có liên quan đến cục máu đông, bệnh tim và đột quỵ.
4. Cải thiện sức khỏe của xương
Vitamin K trong tỏi tây kích hoạt 'osteocalcin', một loại protein có lợi cho sức khỏe của xương. Một cốc tỏi tây cung cấp 42 microgram Vitamin K tương đương với một nửa hàm lượng vitamin K khuyến nghị hàng ngày cho sức khỏe xương ở phụ nữ.
5. Giảm viêm
Vitamin K trong tỏi tây có tác dụng chống viêm, do vậy giúp chống lại các bệnh như béo phì, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, vôi hóa động mạch, và các bệnh viêm mạn tính khác.
6. Hỗ trợ tiêu hóa
Tỏi tây là một loại prebiotic lý tưởng có lợi cho tiêu hóa, giúp kích thích và tăng cường chức năng thận, dạ dày và ruột.
7. Hỗ trợ giảm cân
Tỏi tây không chứa chất béo và ít calo. Hàm lượng chất xơ cao trong tỏi tây giúp ức chế cảm giác thèm ăn, giúp bạn có cảm giác no. Các chất xơ hòa tan và không hòa tan trong tỏi tây giúp điều chỉnh hoạt động của đường ruột, giảm đầy hơi.
8. Cải thiện thị lực
Là nguồn giàu zeaxanthin và lutein, các hợp chất rất quan trọng cho thị lực, tỏi tây bảo vệ các mô mắt khỏi quá trình oxy hóa ADN có hại bằng cách lọc ra các tia sáng gây hại khi chúng xâm nhập vào mắt bạn. Khi tiêu thụ đủ lượng, tỏi tây cũng có thể bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
9. Giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh
Sự có mặt của phốt pho, magiê và folate trong tỏi tây khiến chúng trở nên rất có lợi cho hoạt động lành mạnh của hệ thần kinh. Giàu vitamin và khoáng chất này, tỏi tây cũng giúp cải thiện sự tập trung, trí nhớ và giúp bộ não xử lý thông tin tốt hơn.
10. Có lợi khi mang thai
Ăn nhiều tỏi tây khi mang thai cũng rất có lợi với sức khỏe. Nhờ chứa vitamin B9 (folat), chúng cần thiết cho sự sản sinh ADN để hình thành các tế bào mới. Folat giúp cho sự phát triển khỏe mạnh của các ống thần kinh.
Nguyễn Hà
Theo Boldsky