1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loại vật liệu có thể mở ra kỷ nguyên siêu dẫn bị các nhà khoa học nghi ngờ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Khi nghiên cứu về vật liệu siêu dẫn hoạt động trong điều kiện nhiệt độ phòng và áp suất thấp được xuất bản trên tạp chí uy tín Nature, nó đã được coi như "Chén Thánh" trong lĩnh vực vật lý.

Hiện tượng bay từ thu được nhờ một vật liệu siêu dẫn được làm lạnh bằng nitơ lỏng (Ảnh: Science et avenir).

Hiện tượng bay từ thu được nhờ một vật liệu siêu dẫn được làm lạnh bằng nitơ lỏng (Ảnh: Science et avenir).

Ngay sau đó, nhiều nhà khoa học đã tỏ ra nghi ngờ và đã đưa ra các minh chứng nhằm bác bỏ nghiên cứu này.

Ngày 8/3 trên tạp chí Nature đã xuất bản một nghiên cứu đến từ Đại học Rochester, New York, Mỹ do nhà khoa học Ranga Dias là tác giả chính. Theo nghiên cứu, đây là lần đầu tiên phát minh thành công loại vật liệu siêu dẫn ở môi trường nhiệt độ phòng (từ 15 đến 25 độ C) và áp suất thấp.

Nó đã được nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới đưa tin, trong đó có cả Việt Nam và được coi như là một khám phá mang tính cách mạng trong lĩnh vực vật lý, mở ra kỷ nguyên siêu dẫn hiện đại.

Theo nghiên cứu, vật liệu mới là hợp chất lutetium hydride pha với nitơ, nó có thể tạo ra tính siêu dẫn ở nhiệt độ phòng và áp suất khoảng 10 bar.

Loại vật liệu này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như trong các linh kiện điện tử siêu dẫn, đường truyền năng lượng, giao thông vận tải hay cải tiến sự lưu giữ từ tính đối với các phản ứng tổng hợp.

Song các nhà khoa học đã tỏ ra sự hoài nghi, một số người còn tự hỏi liệu khám phá này có giống như vụ bê bối "Hendrik Schon", nhà vật lý vào đầu năm 2000 đã lừa dối các đồng nghiệp và tạp chí bằng nghiên cứu cách sản xuất dữ liệu trong lĩnh vực điện tử phân tử.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều tranh luận xung quanh nghiên cứu tìm ra vật liệu siêu dẫn ở nhiệt độ phòng. Nhiều bình luận, ý kiến đã xuất hiện trên trang web của Nature hay trên các diễn đàn thảo luận khoa học PubPeer, LinkedIn của các chuyên gia.

"Chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng trong các cuộc thảo luận. Các nhà khoa học nghiêm túc không chấp nhận nghiên cứu này", nhà nghiên cứu Man Mikhail Eremets, Viện Hóa học Max-Planck ở Mainz (Đức) cho biết.

Nhà khoa học Peter Armitage, Đại học Johns Hopkins (Maryland) bình luận: "Không cần phải xem kỹ bài báo. Trong năm đến mười phút làm việc và suy ngẫm, tôi đã nghi ngờ nghiêm trọng về tính chính xác của nghiên cứu này".

Theo các nhà khoa học bác bỏ nghiên cứu, những dữ liệu minh chứng và kết quả thí nghiệm của nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Nature đang có phần không trùng khớp và đi ngược với lý thuyết vật lý.

Điển hình như kết quả thí nghiệm liên quan đến điện trở về loại vật liệu này dường như không phù hợp với những thử nghiệm khác của nhóm nghiên cứu.

Ngoài ra, dữ liệu của một trong những kết quả chính, mất điện trở bằng cách hạ nhiệt độ được trình bày trong một số hình ảnh trong bài nghiên cứu đăng trên Nature khác với tệp được xuất bản bởi nhóm trong nền tảng lưu trữ dữ liệu chuyên dụng Zenodo.

Trả lời Le Monde, tạp chí Nature cho biết: "Chúng tôi được thông báo về vấn đề này và đang làm việc để khắc phục nó càng sớm càng tốt".

Tuy nhiên, việc sửa đổi dữ liệu này cũng không thể làm tan biến sự hoài nghi của các nhà khoa học, vì ngay cả tệp dữ liệu của nghiên cứu trên nền tảng Zenodo cũng không phù hợp.

Sự bất thường rõ nét nhất chính là hình ảnh thứ 15 trong phần phụ lục của nghiên cứu, nó mô tả sự phát triển của điện trở như một hàm của nhiệt độ. Và con số được công bố cho thấy sự sụt giảm đột ngột về 0 của điện trở không phải là dấu hiệu của chất siêu dẫn.

Bên cạnh đó, việc phân tích laser về bản chất của mẫu cũng không phù hợp với kết quả lý thuyết được trình bày trong bài báo.

Ranga Dias, tác giả của nghiên cứu chia sẻ với tờ Quanta rằng, anh ấy sẽ không gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm khác để xác minh tính chất của chúng.

"Danh tiếng của cộng đồng khoa học đang bị đe dọa. Chúng ta cần lấy lại niềm tin giữa các đồng nghiệp. Điều này đặt ra câu hỏi về sự nghiêm ngặt của các tạp chí trong quá trình đánh giá. Làm thế nào để đảm bảo sự chính xác của kết quả", nhà khoa học Marie-Aude Méasson, Viện Néel ở Grenoble, Pháp người cũng đang phát động một thử nghiệm để cố gắng tìm kết quả về vấn đề này cho biết.

Theo Le Monde