1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài thực vật quý tiến hoá khả năng “ngụy trang” để không bị hái

Trang Phạm

(Dân trí) - Nghiên cứu mới đã phát hiện ra một loại cây thảo dược thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc đã tiến hóa để con người khó nhìn thấy hơn.

Loài thực vật quý tiến hoá khả năng “ngụy trang” để không bị hái - 1

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra loài cây Fritillaria delavayi, sống trên các sườn núi đá của vùng núi Hoành Đoạn, Trung Quốc, có những biến đổi đặc biệt.

Điều này cho thấy con người chính là nhân tố đang “thúc đẩy” sự tiến hóa của loài này thành các dạng màu sắc mới bởi vì các loài thực vật được ngụy trang tốt hơn có cơ hội sống sót cao hơn.

Nghiên cứu do Viện Thực vật học Côn Minh (Viện Khoa học Trung Quốc) và Đại học Exeter thực hiện.

“Thật đáng chú ý khi thấy con người có thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽ như vậy đến màu sắc của các sinh vật hoang dã, không chỉ đến sự tồn tại của chúng mà còn đối với sự tiến hóa của chúng.

Nhiều loài thực vật dường như sử dụng biện pháp ngụy trang để che giấu mình trước những loài động vật ăn cỏ có thể ăn chúng. Nhưng ở đây chúng ta thấy sự ngụy trang đang phát triển để đáp lại sự thu thập của con người. Có thể con người đã thúc đẩy sự tiến hóa của các chiến lược phòng thủ ở các loài thực vật khác, nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít nghiên cứu đã kiểm tra điều này”, giáo sư Martin Stevens, Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn của Exeter cho biết.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ gần gũi của thực vật từ các quần thể khác nhau phù hợp với môi trường vùng núi và mức độ dễ dàng thu hái của chúng.

Họ phát hiện ra rằng mức độ ngụy trang của cây có tương quan với mức độ thu hoạch. Trong một thí nghiệm trên máy tính, những cây được ngụy trang nhiều hơn cũng mất nhiều thời gian hơn để được con người phát hiện.

Fritillaria delavayi là một loại thảo mộc lâu năm với lá có màu sắc khác nhau từ xám đến nâu đến xanh lá cây. Từ khi còn nhỏ và ra hoa duy nhất mỗi năm sau năm thứ năm.

Củ của loài này đã được sử dụng trong y học Trung Quốc hơn 2000 năm. Bên cạnh đó, giá cả của chúng trong những năm gần đây cũng khiến việc thu hoạch tăng lên.

“Giống như những loài thực vật ngụy trang khác mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng sự tiến hóa ngụy trang của loài thực vật này là do động vật ăn cỏ điều khiển, nhưng chúng tôi không tìm thấy loài động vật như vậy. Sau đó, chúng tôi nhận ra con người có thể là lý do”, tiến sĩ Yang Niu từ Viện Thực vật học Côn Minh cho biết.

Trong khi đó, giáo sư Hang Sun, thuộc Viện Thực vật học Côn Minh, nói thêm: “Thu hoạch thương mại là một áp lực chọn lọc mạnh hơn nhiều áp lực trong tự nhiên. Tình trạng đa dạng sinh học hiện tại trên Trái đất được định hình bởi cả thiên nhiên và do chính chúng ta tạo ra”.