1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Loài sứa xâm chiếm những vùng biển mới bằng cách ăn thịt con mình

(Dân trí) - Những sinh vật như loài sứa xâm lấn có một bí mật độc ác, giúp chúng mở rộng tầm với vào những vùng nước mới.

Loài sứa xâm chiếm những vùng biển mới bằng cách ăn thịt con mình - 1

Loài sứa lược mắn đẻ sinh sản con non không phải để phát triển thế hệ tiếp theo, mà là cách thức để chuẩn bị bữa ăn tiếp theo của chính chúng, giúp cho chúng vượt qua những vùng nước nghèo dinh dưỡng trên khắp hành tinh.

Sứa lược mờ, còn được gọi là “hạt óc chó biển”, có nguồn gốc ở bờ biển phía đông của Bắc và Nam Mỹ. Sau khi lần đầu tiên được quan sát ở biển Đen gần 40 năm trước, loài sứa không có xúc tu Mnemiopsis leidyi kể từ đó đã xâm lấn và tràn sang biển Caspi và các vùng nước ven biển Á – Âu khác, tàn phá môi trường bản địa và góp phần làm sụp đổ nghề cá địa phương khi đánh bại các loài cá thương mại, theo trang Smithsonian.

Nhưng đằng sau thành công về khả năng bành trướng của loài sinh vật kỳ dị này vẫn còn một chút bí ẩn. Số lượng phong phú của con non đã được quan sát thấy ở khắp những vùng nước dường như đang thiếu dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ sự sống cho chúng. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thu thập sứa lược trong suốt một năm ở ngoài khơi bờ biển miền bắc nước Đức, và quan sát những con sứa nhỏ xíu còn non nằm trong cơ thể của những con trưởng thành lớn hơn chúng. Hóa ra, những con quái vật không xương và cũng không có bộ não này thật sự chỉ đang chuẩn bị cho một vụ thu hoạch không ngừng nghỉ.

“Chúng tôi đã kết hợp một nghiên cứu về động lực học của quần thể loài sứa với thử nghiệm cho ăn và theo dõi địa hóa học để cho thấy, lần đầu tiên, rằng các con sứa trưởng thành đã thực sự tiêu thụ đàn con của chính mình”, trưởng nhóm nghiên cứu – Jamileh Javidpour từ trường Đại học Nam Đan Mạch khẳng định.

Một số bầy sứa con có thể đóng vai trò là nguồn chất dinh dưỡng để cung cấp thức ăn trong thời gian tối đa là 3 tuần ở những vùng nước nghèo dinh dưỡng, điều này có thể tạo ra sự khác biệt giữa ranh giới sống hoặc chết trên Đại Tây Dương.

Loài sứa xâm chiếm những vùng biển mới bằng cách ăn thịt con mình - 2
Bằng chứng hình ảnh về hành vi ăn thịt đồng loại – ấu trùng Mnemiopsis leidyi (cạnh mũi tên màu đỏ) nằm trong một con sứa trưởng thành.

Nhà khoa học Thomas Larsen từ Viện nghiên cứu Khoa học Lịch sử Loài người Max Planck, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết theo một cách nào đó, toàn bộ quần thể sứa đang hoạt động như một sinh vật riêng biệt, với những nhóm trẻ hơn hỗ trợ các con trưởng thành vượt qua thời kỳ căng thẳng về dinh dưỡng. Nhìn chung, nó cho phép những con sứa tồn tại qua các sự kiện khắc nghiệt và những giai đoạn thiếu thức ăn, xâm chiếm xa hơn so với hệ thống khí hậu và các điều kiện khác thường sẽ cho phép.

Các tác giả chia sẻ thêm rằng, phát hiện này cũng góp phần cho sự hiểu biết rộng hơn về tiến hóa của những loài ăn thịt đồng loại trên khắp vương quốc động vật, nơi có hơn 1.500 loài – bao gồm cả chúng ta – đã từng được ghi nhận là ăn thịt chính đồng loại của mình.

“Bởi vì tổ tiên của loài sứa lược xuất hiện từ thời kỳ bắt đầu sự sống của hầu hết động vật như chúng ta đã biết - vào kỷ Cam-ry, 525 triệu năm trước, nó vẫn duy trì một đặc điểm có thể là cơ bản, thống nhất trên khắp thế giới động vật”, Javidpour nhận định.

Hiểu biết về cách thức, nơi chốn và lý do tại sao loài sứa lược lại kích thích sự sinh sản như vậy, có thể giúp các cơ quan quản lý chống lại những cuộc xâm lấn của chúng – hiện tượng thường gây ra những hậu quả nghiệm trọng cho nền kinh tế và các loài tại địa phương.

Ngọc Anh 

Theo IFL Science