Loài người đã đến châu Âu sớm hơn chúng ta tưởng
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra thời điểm thực sự loài người hiện đại đã đặt chân đến châu Âu, và đặt ra câu hỏi về những người Neanderthal đã ở đó từ trước.
Chỉ một chiếc răng đã làm thay đổi cách nghĩ của các nhà khảo cổ học về lịch sử tiến hóa loài người.
Chiếc răng hàm này là một trong những di chỉ cuối cùng còn lại của người hiện đại sơ khai được tìm thấy ở châu Âu. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nó lẫn trong hài cốt của người, các công cụ bằng đá và xương, và đồ trang sức làm từ răng gấu trong hang Bacho Kiro ở Bulgaria.
Nhà cổ nhân loại học Jean-Jacques Hublin ở Viện Nhân chủng học tiến hóa Leipzig, Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng “chiếc răng này lâu đời hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng tìm được về loài người hiện đại ở châu Âu”. Nó là chiếc răng hàm của người hiện đại sơ khai vào khoảng 44.000 đến 46.000 năm trước.
Từ phát hiện này, các nhà khảo cổ học cho rằng người hiện đại đã đến châu Âu sớm hơn chúng ta từng nghĩ và cùng chung sống trên vùng đất này trong hàng nghìn năm với loài người to lớn Neanderthal vốn đã sống ở đây từ trước.
Phát hiện này cũng giải quyết tranh cãi về các công cụ chuyên biệt và đồ trang sức cá nhân được gọi là đồ Bachokirian ở phía sau hang. Các công cụ này cho thấy nhiều nghìn năm sau, đá, xương và sừng hươu nai được người hiện đại sử dụng theo cách rất mới.
Các công cụ tương tự của người Neanderthal được tìm thấy ở khắp mọi nơi, nhưng phát hiện mới này cho thấy người Neanderthal đã tiếp thu cách làm ra các công cụ này từ người hiện đại.
Các bằng chứng thu thập ở một số địa điểm khác cho thấy những người sống trong hang Bacho Kiro là một phần của làn sóng tiên phong người hiện đại từ Tây Nam châu Á tiến đến miền Nam và miền Trung châu Âu vào khoảng 47.000 năm trước.
Họ đã đến châu Âu trước 8.000 năm so với các nhóm người sơ khai khác, như là người Denisova, những người vốn sinh sống chủ yếu ở châu Á vào cùng thời gian đó. Giáo sư Hublin nói rằng đây là một trong những thời kỳ quan trọng nhất của quá trình tiến hóa loài người. Đó là thời điểm những tông người như là Neanderthal và Denisova bị thay thế bởi tông người hiện đại.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Hublin đã làm việc ở hang Bacho Kiro từ năm 2015. Nhiều phần trong chiếc hang đá vôi này đã được khai thác phục vụ du lịch vào thế kỷ XIX và công tác khảo cổ được tiến hành trong những năm 30 và những năm 70. Hiện nay, đây là một trong những hang động du lịch nổi tiếng nhất của Bulgaria.
Trong đợt công tác gần đây nhất, nhóm nghiên cứu đã phá những bức tường ở gần lối vào vốn được xây để bảo vệ du khách trên đường mòn tham quan. Họ đã phát hiện ra nhiều mảnh xương và đồ tạo tác. Bằng phương pháp phân tích carbon phóng xạ, họ xác định được các đồng vị cacbon phân hủy đến mức nào, từ đó tìm được các thông tin quan trọng còn thiếu từ những lần khai quật trước.
Phương pháp cacbon phóng xạ xác định niên đại trùng với phương pháp tính toán bằng vật liệu gene, hay chính là DNA, lấy từ các mảnh xương người tìm được trong hang.
Trước đó, người ta cho rằng người hiện đại có mặt ở châu Âu vào khoảng 41.000 năm trước, dựa vào các di tích tìm thấy ở Peştera cu Oase, Romania.
Mặc dù người Neanderthal có thể thông minh hơn các bằng chứng cho thấy, nhưng từ kết quả khảo cổ mới này, có thể thấy rằng họ không tự phát minh ra các công cụ và đồ trang sức Bachokirian. Thay vào đó, dường như họ tiếp thu cách làm mới mẻ này của người hiện đại sơ khai, “rất có thể là họ đã bắt chước hoặc làm theo” – nhà cổ nhân loại học Richard Klein ở Trường đại học California, Mỹ, nhận định.
Nhưng sự giao tiếp, tương tác giữa người Neanderthal và các nhóm người hiện đại ở châu Âu vẫn còn là điều chưa được hiểu rõ, mặc dù một số gen của người Neanderthal được tìm thấy ở người hiện đại cho thấy có sự giao phối giữa hai loài.
Vậy vì sao người Neanderthal lại tuyệt chủng nếu như họ đã từng có khả năng sao chép công nghệ của những người mới đến? “Đây là câu hỏi cuối cùng cần được giải đáp” – giáo sư Klein nói.
Phạm Hường
Theo NBC News