Loài linh trưởng mới được phát hiện ở Myanmar | Báo Dân trí

Loài linh trưởng mới được phát hiện ở Myanmar

Trang Phạm

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới tuyên bố đã phát hiện ra một loài linh trưởng hoàn mới ở Myanmar chưa từng được biết đến sau khi phân tích ADN ty thể của chi linh trưởng có tên Trachypithecus.

Loài linh trưởng mới được phát hiện ở Myanmar - 1

Hiện tại, loài linh trưởng mới đã được xác định. Các nhà nghiên cứu hy vọng nó sẽ thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn ước tính khoảng 200 đến 250 cá thể còn lại nằm rải rác trên bốn nhóm biệt lập ở Myanmar.

Voọc Popa là tên loài linh trưởng mới. Nó được đặt theo tên của Núi Popa linh thiêng, một ngọn núi lửa đã tắt và là địa điểm hành hương linh thiêng, nơi sinh sống của khoảng 100 con voọc, khiến nó trở thành quần thể lớn nhất trong bốn quần thể.

Trên khắp Myanmar, những con voọc này đang phải đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống và săn bắn đến mức các nhà nghiên cứu cho rằng loài này được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp.

Trachypithecus là chi có nhiều loài nhất và phân bố rộng rãi nhất trong số các loài khỉ Colbine châu Á. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện liên quan đến 20 loài đã biết nhưng lịch sử tiến hóa của chúng vẫn là một điều bí ẩn.

Nghiên cứu mới này muốn kết hợp dữ liệu về chi Trachypithecus để vẽ một bức tranh rõ ràng hơn về quá khứ của chúng, do đó các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu và hoàn chỉnh DNA ty thể từ tất cả 20 loài đã biết.

Chính trong quá trình theo đuổi sự hiểu biết tốt hơn về lịch sử tiến hóa của nhóm động vật linh trưởng mang tính biểu tượng này, loài mới đã được phát hiện. Sự khác biệt giữa các loài Trachypithecus là rất tinh tế, chủ yếu liên quan đến màu lông, chiều dài đuôi, kích thước răng hàm và hình dạng hộp sọ của chúng. Nhưng các phân tích di truyền về mẫu vật cổ cùng với các mẫu từ các bảo tàng khác và động vật còn tồn tại đã xác định sự tồn tại của loài mới.

“Chúng tôi đã phân tích 72 trình tự của các loài linh trưởng và 53 trong số đó thuộc chi Trachypithecus, nơi loài mới này thuộc về. Sau khi kết hợp các kết quả giải trình tự từ các mẫu bảo tàng, mẫu phân từ các quần thể thu thập được trong tự nhiên và xem xét các mẫu vật trong bảo tàng, chúng tôi có thể đưa ra kết luận rằng chúng tôi đang làm việc với một loài mới”, nhà nghiên cứu Roberto Portela Miguez cho biết.

Nghiên cứu chứng minh cách các mẫu vật trong các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên có thể đóng vai trò là nguồn có giá trị cho nghiên cứu di truyền và phân loại học khi các kỹ thuật giải trình tự mới xuất hiện có thể phân tích cả DNA 100 tuổi.

Roberto Portela Miguez nói thêm: “Đây là nghiên cứu toàn diện nhất được thực hiện về nhóm động vật linh trưởng này cho đến nay. Hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa của nhóm và sự đa dạng của các loài bên trong đã được nâng cao đáng kể. Công việc này không thể được thực hiện nếu không có sự nhiệt tình và chuyên môn đặc biệt của các cộng tác viên từ khắp nơi trên thế giới như Myanmar, Đức, Úc, Mỹ, Singapore, Việt Nam, Hà Lan… Nhờ nỗ lực phi thường này, chúng tôi có thể kịp thời cứu một loài mà lẽ ra có thể đã bị bỏ qua”.