Loài khỉ cổ đại đã biết dùng bè vượt Đại Tây Dương hàng triệu năm trước

(Dân trí) - Bốn chiếc răng khỉ hóa thạch được phát hiện sâu ở Amazon khu vực Peru cung cấp bằng chứng mới cho thấy hơn một nhóm linh trưởng cổ đại đã vượt qua Đại Tây Dương từ châu Phi.

Loài khỉ cổ đại đã biết dùng bè vượt Đại Tây Dương hàng triệu năm trước - 1

Răng của một loài mới được phát hiện thuộc một họ linh trưởng châu Phi đã tuyệt chủng được gọi là parapithecid. Hóa thạch được phát hiện tại cùng địa điểm ở Peru trước đó đã đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc khỉ Nam Mỹ tiến hóa từ loài linh trưởng châu Phi.

Những con khỉ cổ đại được cho là đã thực hiện chuyến đi dài gần 1.500km trên những thảm thực vật trôi nổi từ bờ biển có thể được tạo ra trong một cơn bão.

"Đây là một khám phá rất độc đáo. Nó cho thấy rằng ngoài những con khỉ Thế giới mới và một nhóm động vật gặm nhấm được gọi là caviomorph còn có dòng động vật có vú thứ ba bằng cách nào đó thực hiện hành trình xuyên Đại Tây Dương rất khó khăn này để đi từ Châu Phi đến Nam Mỹ”, Erik Seiffert, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Khoa học Giải phẫu Tích hợp Lâm sàng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài khỉ tuyệt chủng là Ucayalipithecus perdita. Loài Ucayalipithecus perdita có kích thước rất nhỏ, kích thước tương tự như một loài khỉ đuôi sóc thời hiện đại.

Địa điểm ở Ucayali nơi răng hoá thạch được tìm thấy là từ một kỷ nguyên địa chất được gọi là Oligocene, kéo dài từ khoảng 23 - 34 triệu năm trước.

Dựa trên tuổi của địa điểm và sự gần gũi của Ucayalipithecus với người thân hóa thạch của nó từ Ai Cập, các nhà nghiên cứu ước tính sự di cư có thể đã xảy ra khoảng 34 triệu năm trước.

"Chúng tôi cho rằng nhóm này có thể đã đến Nam Mỹ ngay xung quanh cái mà chúng ta gọi là ranh giới Eocene-Oligocene, khoảng thời gian giữa hai kỷ nguyên địa chất, khi dải băng ở Nam Cực bắt đầu hình thành và mực nước biển hạ xuống. Điều đó có thể đã đóng một vai trò trong việc giúp những loài linh trưởng này thực sự vượt qua Đại Tây Dương dễ dàng hơn một chút”, nhà nghiên cứu Seiffert nói.

2 trong số các răng Ucayalipithecus perdita đã được xác định bởi các đồng tác giả người Argentina của nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy những con khỉ Thế giới mới có tổ tiên châu Phi. Khi Seiffert được yêu cầu giúp mô tả các mẫu vật này vào năm 2016, ông đã nhận thấy sự giống nhau của hai răng hàm trên bị gãy với một loài khỉ parapithecid 32 triệu năm đã tuyệt chủng từ Ai Cập đã nghiên cứu trước đây.

Sau đó, một cuộc thám hiểm đến địa điểm hóa thạch của Peru vào năm 2016 đã dẫn đến việc phát hiện thêm hai chiếc răng thuộc về loài mới này. Sự giống nhau của những chiếc răng dưới bổ sung với những chiếc răng khỉ Ai Cập đã xác nhận với Seiffert rằng Ucayalipithecus có nguồn gốc từ tổ tiên châu Phi.

Trang Phạm

Theo Science Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm