Loài cây mới đã biến mất trước khi được đặt tên

(Dân trí) - Loại cây này, hiện được gọi là Vepris bali, được cho là loại cây độc nhất của một khu bảo tồn rừng ở phía tây châu Phi, nhưng việc phát quang rừng và phát triển nông nghiệp đã xóa sổ nó.

Loài cây mới đã biến mất trước khi được đặt tên - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu các đặc tính chống vi trùng và chống sốt rét trong tinh dầu của loài cây này.

Các nhà nghiên cứu hy vọng một số cây vepris khác sẽ được xác định và đặt tên ở Cameroon trước khi chúng biến mất.

Một mẫu cây này đã được thu thập bởi một người chăn gia súc, Edwin Ujor, trong Khu bảo tồn rừng Bali Ngemba ở Cameroon vào năm 1951.

Mẫu cây được cho là thuộc chi vepris, có 80 loài, chủ yếu được tìm thấy trên khắp châu Phi. Nhưng sau một thời gian phát quang thì đã không thấy bóng dáng của nó nữa.

Các nhà nghiên cứu từ Vườn bách thảo Hoàng gia, Kew và Đại học Yaoundé I đã kiểm tra các mẫu cây ban đầu và sử dụng các nghiên cứu phát sinh phân tử để xác định loài mới.

Họ nói rằng cây hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng hoặc đã tuyệt chủng.

Những nỗ lực lặp đi lặp lại để tìm ra loài cây này trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2004 và ít nhất sáu nghiên cứu khác đều đã thất bại trong việc đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy loài cây này vẫn tồn tại.

Hàng chục ngàn loài thực vật trên toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro tương tự. Theo Sổ ghi tên thực vật quốc tế, chỉ có khoảng 5% tất cả các loài được biết đến đã được cho là tuyệt chủng một cách chính thức.

Các tác giả đã viết: Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải khám phá, ghi chép và bảo vệ các loài trước khi chúng bị tuyệt chủng toàn cầu.

Khu bảo tồn rừng Bali Ngemba, một khu rừng được bảo vệ một cách chính thức, là một phần của vùng cao nguyên Bamenda, một khu vực dường như đã hoàn toàn mất đi thảm thực vật rừng tự nhiên, mà ngày nay nó được biết đến ở Cameroon với tên gọi là vùng đồng cỏ.

Khu bảo tồn, nằm ở độ cao tới 2133 mét so với mực nước biển, hiện là một trong những tàn dư cuối cùng của rừng mây và là nơi có bộ sưu tập thực vật độc đáo bao gồm ít nhất 38 loài đang bị đe dọa toàn cầu.

Nhưng nó cũng đang bị phá hủy bởi sự mở rộng đất nông nghiệp của con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết phải dừng việc phá hủy rừng ngay, thì mới có khả năng phục hồi rừng, bảo tồn các loài quý hiếm và bảo vệ môi trường sống tự nhiên, đặc biệt là những loài đang đứng trên bờ miệng vực tuyệt chủng toàn cầu.

Hoàng Hằng

Theo Independent


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm