1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài cá "mọc chân" để tìm thức ăn ẩn trong cát

Minh Khôi

(Dân trí) - Những chiếc chân mảnh khảnh của loài cá độc đáo này có thể đào, cảm nhận thức ăn, và hỗ trợ di chuyển trên nền cát.

Loài cá mọc chân để tìm thức ăn ẩn trong cát - 1

Cá vây biển phương bắc dùng các bộ phận giống như chi phụ để hỗ trợ di chuyển, đào, tìm kiếm thức ăn (Ảnh: HU).

Cá vây biển phương bắc (tên khoa học: Prionotus carolinus) là một trong những loài cá kỳ lạ nhất ở đại dương: Chúng sử dụng vây giống như chân để "lê" dọc theo đáy biển.

Nghiên cứu mới cho thấy những chi phụ này không chỉ hỗ trợ di chuyển, mà còn cho phép chúng "nếm" bất cứ thứ gì gặp phải trong quá trình tìm kiếm thức ăn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khám phá này có thể giải thích tại sao các sinh vật biển khác lại thích đi theo loài cá này để tìm kiếm thức ăn thừa.

Bằng cách quan sát cá vây được nhốt trong lồng kính, các nhà khoa học nhận thấy chúng bơi sát phần đáy, và dùng những chi phụ cào xuống cát.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu cho rằng dường như loài cá này có một giác quan ẩn, được giấu trong các "chân". Bằng chứng là chúng không gặp mấy khó khăn để tìm thấy thức ăn được giấu bên dưới.

Loài cá mọc chân để tìm thức ăn ẩn trong cát - 2

Cách thức tiến hóa của loài cá "có chân" độc đáo (Ảnh: HU).

Khi quan sát kỹ hơn, họ nhận thấy những chiếc chân mảnh khảnh của loài cá này được bao phủ bởi các gai cảm giác. Thiết kế này gần giống với các gai nhỏ, bố trí trên phần lưỡi của chúng ta.

Cách tiến hóa tương tự cũng xuất hiện ở một số loài, điển hình là chim hải âu.

Nicholas Bellono, nhà sinh lý học tế bào đến từ Đại học Harvard, cho biết, những gen góp phần tạo nên bộ phận đặc biệt của loài cá này, cũng tương tự như gen tạo nên chi ở người.

"Tuy nhiên, cách chúng sử dụng những chiếc chi này để tìm kiếm con mồi giống như chiếc lưỡi, lại là điều vô cùng kỳ lạ", chuyên gia này nhấn mạnh.

Khám phá mới cho thấy, chúng có thể đã tiến hóa theo cách tự sửa đổi những phần gen cũ, để phù hợp hơn với điều kiện sống.

Theo www.sciencealert.com