Loài cá được Trung Quốc đưa lên Trạm Vũ trụ Thiên Cung có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Trung Quốc đang có kế hoạch gửi cá ngựa vằn lên trạm vũ trụ của mình để phục vụ cho nghiên cứu.
Space đưa tin, cho biết các loài cá nhỏ sẽ được đưa vào quỹ đạo trên Trạm Vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) của Trung Quốc như một phần của nghiên cứu về sự tương tác giữa cá và vi sinh vật trong một hệ sinh thái quy mô nhỏ và khép kín.
Loài cá được lựa chọn là cá ngựa vằn (Zebrafish), có tên khoa học là Danio rerio. Chúng là một loài cá nước ngọt thuộc họ Cá chép, bộ Cá chép, có nguồn gốc từ Nam Á, chủ yếu được tìm thấy ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal và Bhutan.
Trong quá khứ, cá ngựa vằn từng được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, như trong phát triển thuốc, đặc biệt là giai đoạn tiền lâm sàng. Cá ngựa vằn cũng đáng chú ý vì khả năng tự tái tạo của chúng, và đã được các nhà nghiên cứu biến đổi để tạo ra nhiều chủng chuyển gen khác nhau.
Đây là loài cá đã từng được gửi đến trạm vũ trụ Salyut 5 của Liên Xô vào năm 1976 trên tàu Soyuz 21. Tại đó, các nhà du hành vũ trụ Liên Xô tiến hành thí nghiệm với loài cá này và đã phát hiện rằng chúng dường như thay đổi một số hành vi để đáp ứng với việc sống trong môi trường vi trọng lực.
Được biết, kế hoạch đưa cá ngựa vằn lên không gian do Zhang Wei, người đại diện cho Cơ quan ứng dụng kỹ thuật không gian có người lái của Trung Quốc (CMS) trình bày với truyền thông Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 10/7 vừa qua.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về thời gian cũng như chi tiết của thí nghiệm đã không được tiết lộ.
Đây không phải là lần đầu tiên các loài cá được đưa lên vũ trụ. Môi trường sống dưới nước (AQH) từ lâu đã được NASA nghiên cứu bằng cách gửi sinh vật biển đến Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS nhằm tìm hiểu cách thức vi trọng lực tác động đến sinh vật biển.
Dẫu vậy, việc đưa động vật sống lên vũ trụ có thể được xem là đã bắt đầu từ năm 1947.
Nổi tiếng nhất trong số này là chú chó không gian Laika của Liên Xô, từng thực hiện chuyến bay nổi tiếng trên sứ mệnh Sputnik 2 vào năm 1957.
Tại thời điểm con tàu chở Laika vào quỹ đạo, các nhà khoa học còn rất mơ hồ về tác động của những chuyến bay ngoài không gian tới sinh vật sống.
Bên cạnh đó, con tàu Sputnik 2 không được thiết kế bao gồm cơ cấu chống cháy, và hạ cánh để thu hồi về Trái Đất. Do vậy, cái chết của chú chó Laika đã được dự báo trước.