Loài bọ kì lạ có thể đi "lộn ngược" ở dưới bề mặt nước

Trang Phạm

(Dân trí) - Đi trên mặt nước là một khả năng rất đặc biệt của côn trùng. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một con bọ cánh cứng thậm chí còn có thể di chuyển ở bên dưới bề mặt nước.

Loài bọ kì lạ có thể đi lộn ngược ở dưới bề mặt nước - 1

Hình ảnh con bọ kì lạ có khả năng đi… dưới mặt nước.

Loài côn trùng mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra đến từ họ Hydrophilidae, có thể lướt dọc theo mặt dưới của mặt nước như thể bị dính vào một tấm kính trong suốt. Đây là lần đầu tiên một loài côn trùng được ghi nhận di chuyển theo kiểu kì dị như vậy.

Khám phá cách di chuyển kì lạ này con bọ được thực hiện một cách tình cờ bởi John Gould, một nhà sinh vật học hành vi tại Đại học Newcastle ở Callaghan (Australia), khi đang tìm kiếm nòng nọc trong một vũng nước ở dãy núi Watagan, Australia, thì bất ngờ nhìn thấy một vật thể nhỏ màu đen di chuyển dưới mặt nước.

Lúc đầu, ông cho rằng đó là một con côn trùng đã rơi xuống nước và đang bơi trên mặt nước. Nhưng nhìn kỹ lại thì con bọ kỳ lạ lại đang nằm ở dưới mặt nước chứ không phải ở trên.

Gould cho biết: "Khoảnh khắc nhìn thấy con bọ đang di chuyển dưới mặt nước, tôi biết mình đã tìm thấy một thứ thực sự kỳ lạ. Con bọ đang thản nhiên đi dọc theo mặt dưới của mặt nước trong khi lộn ngược. Thỉnh thoảng, nó dừng lại và sau đó tiếp tục di chuyển dọc theo bề mặt như thể nó đang đi ngang qua bất kỳ bề mặt rắn thông thường nào trên mặt đất".

Gould nói rằng điều đặc biệt hấp dẫn về siêu năng lực kỳ lạ của sinh vật này là nó không chỉ có thể đi bộ mà còn có thể… nghỉ ngơi trong khi dường như dán chặt vào mặt dưới của mặt nước.

"Điều đó có nghĩa là nó có thể ở dưới bề mặt nước mà không tiêu tốn bất kỳ năng lượng nào. Điều này trái ngược với những động vật lớn di chuyển trên mặt nước, chẳng hạn như thằn lằn, chúng cần tiếp tục chạy để không bị chìm trên bề mặt. Khả năng này cũng có thể có nghĩa là nó có thể ngăn chặn sự săn mồi bằng cách giảm thiểu lượng tiếng ồn", Gould nói.

Không rõ bằng cách nào con bọ có thể có khả năng kì lạ này, nhưng Gould và nhóm của ông tin rằng manh mối quan trọng có thể nằm trong một bong bóng khí có thể nhìn thấy được mắc kẹt trên bụng của nó.

Cơ thể bọ được bao phủ bởi nhiều đốm nhỏ giống như lông giúp chúng có thể hút không khí, đặc biệt là ở bụng và chân. Không khí này có thể cung cấp một lực nổi lên, đủ để dính bọ cánh cứng lên mặt nước.

Gould nhận định: "Các cơ quan gắn trên chân của con bọ có chức năng sẽ bẫy các bong bóng khí cho phép nó tương tác với mặt nước theo cách mà nó có thể dễ dàng đi lại mà không bị phá vỡ sức căng bề mặt. Tất nhiên, kích thước nhỏ của nó cũng có thể là một thuộc tính góp phần vào khả năng này vì sự gián đoạn đối với sức căng bề mặt ít xảy ra hơn so với các loài côn trùng lớn hơn".

Với phát hiện này, các nhà khoa học cho biết sẽ cần phải nghiên cứu thêm để tìm ra cơ chế chính xác cho phép côn trùng đi trong nước, cũng như lý do cho sự thích nghi kì lạ đó.