Lỗ khoan nhân tạo sâu nhất ở Nam Cực có tác dụng gì?
(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa đặt mũi khoan cho một lỗ khoan sâu nhất từ trước đến nay vào lòng Nam Cực. Mục đích của họ không phải là phá kỉ lục thế giới mà để đưa thiết bị xuống sâu lớp băng già ở châu lục này nhằm nghiên cứu phản ứng của Nam Cực trước biến đổi khí hậu.
Dự án khảo sát Nam Cực của Anh đã được lên kế hoạch từ 20 năm nay để nghiên cứu lịch sử và giám sát sự biến đổi của thềm băng Nam Cực. Ngày 8/1/2019 vừa qua, sau 63 giờ khoan liên tục bằng mũi khoan nước nóng, các kĩ sư đã đưa được một số thiết bị xuyên qua thềm sông băng Rutford ở Tây Nam Cực.
Tại độ sâu 2.152 mét, các thiết bị đã ghi lại thông số về nhiệt độ băng và áp lực nước và đo được mức độ băng tan.
Ở độ sâu này, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ trả lời được câu hỏi thềm băng Nam Cực biến mất cách đây bao lâu và làm thế nào để nước và trầm tích đẩy được các tảng băng ra biển. (Sông băng là một dạng các dòng sông đóng băng, ở đó băng di chuyển nhanh hơn những chỗ khác.)
Lỗ khoan thứ hai đã được nhóm nghiên cứu tiến hành vào ngày 22/1 và theo kế hoạch, công tác thăm dò sẽ kéo dài đến giữa tháng 2/2019.
Phạm Hường (Theo Live Science)