Linh dương tử chiến với chó hoang dù bị xé toạc gần hết

Minh Khôi

(Dân trí) - Bị kẻ săn mồi cắn trọng thương, linh dương Impala dùng chút sức lực cuối để chiến đấu trong ngoan cường.

Video chứa hình ảnh gây sốc với một số người, độc giả cân nhắc kỹ trước khi xem.

Linh dương tử chiến với chó hoang dù bị cắn trọng thương.

Một video ghi lại cảnh con linh dương Impala đơn độc chiến đấu lại bầy chó hoang dù trước đó đã bị cắn trọng thương khiến nhiều người kinh ngạc.

Hans Schuring, 45 tuổi, người ghi lại màn tử chiến tại vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) cho biết anh bị thu hút khi chứng kiến con linh dương cố gượng dậy dù bị chó hoang cắn xé, moi ruột.

Con vật bị thương quyết liệt chống trả bằng chút hơi sức tàn. Cặp sừng nhọn hoắt và ý chí sinh tồn của nó khiến con chó hoang e sợ, không dám lại gần.

Tuy nhiên, điều ám ảnh người xem đó chính là phần bụng của chú linh dương đã bị xé toạc gần hết, để lộ nội tạng rơi ra ngoài theo một cách đầy đau đớn.

Khi người xem phần nào hy vọng rằng linh dương sẽ tạo nên điều kỳ diệu, thì một bầy chó hoang ùn ùn kéo đến.

Với cơ thể yếu ớt đầy vết thương, con vật tội nghiệp chẳng thể nào thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", và đã trở thành bữa ăn của những con chó hoang háu mồi.

Linh dương tử chiến với chó hoang dù bị xé toạc gần hết - 1

Linh dương Impala hay còn gọi là linh dương sừng cao là một loài linh dương khá phổ biến ở châu Phi với số lượng đông đảo.

Chúng là động vật ăn cỏ nhanh nhẹn bậc nhất trên thảo nguyên, đồng cỏ châu Phi. Một số con linh dương có thể tăng tốc lên tới xấp xỉ 100 km/h, hoặc chạy duy trì ở tốc độ 48 km/h trong nhiều tiếng.

Mặc dù có tốc độ chạy nhanh như vậy, nhưng linh dương vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa đến từ những thú săn mồi như sư tử, báo đốm, chó hoang, linh cẩu...

Điều may mắn cho những con linh dương là chúng có giác quan rất nhạy và phản ứng cơ thể rất nhanh nhẹn mỗi khi biết mình bị tấn công. Trong quá trình rượt đuổi, linh dương thường hay thay đổi hướng chạy khiến kẻ săn mồi luôn gặp khó khăn.

Linh dương đực thường có cặp sừng dài, cong về phía trước, giúp chúng tự vệ hiệu quả trước các loài thú săn mồi. Tuy nhiên, thứ vũ khí này trở nên vô dụng khi linh dương bị bao vây, hoặc bị tấn công từ phía sau.