1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Liều lĩnh bắt rắn độc bằng tay không, người đàn ông nhận bài học đắt giá

T.Thủy

(Dân trí) - Đoạn clip là một minh chứng cho thấy không nên tự mình xử lý rắn bò vào nhà mà không có kinh nghiệm và chưa biết rõ loài rắn đó có độc hay không.

Đoạn clip được chia sẻ trên trang Twitter cá nhân của chuyên gia bắt rắn người Ấn Độ Pravin Bose, cho thấy khoảnh khắc người đàn ông đang tự mình xử lý một con rắn bò vào nhà. Người này đã nắm được đuôi con rắn, sau đó sử dụng bao tải phủ lên đầu con vật dự định sẽ nắm chặt đầu mà không để cho nó cắn.

Tuy nhiên, con rắn đã bất ngờ thò đầu ra từ phía dưới bao tải, quay ngược lại cắn vào tay người đàn ông. Người này đã bị giật mình và lập tức buông con rắn ra.

"Đừng liều lĩnh tự mình xử lý những con rắn bò vào nhà nếu không có kinh nghiệm. Hãy tìm cách xua đuổi thay vì cố gắng bắt chúng, hoặc hãy nhờ những người có kinh nghiệm xử lý giúp", Pravin Bose viết trên trang Twitter cá nhân.

Liều lĩnh bắt rắn độc bằng tay không, người đàn ông nhận bài học đắt giá (Video: Twitter).

Đoạn clip về tình huống bắt rắn bất thành này đã "gây sốt" trên cộng đồng mạng, thu hút hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ. Nhiều người cho rằng họ đã rùng mình khi chứng kiến khoảnh khắc người đàn ông bị cắn vào tay.

Con rắn trong đoạn clip được xác định là một cá thể rắn cạp nia, một loài thuộc họ rắn hổ, sở hữu nọc độc chết người. Loài rắn này sở hữu chiều dài trung bình từ một đến 1,5m với những khoang trắng đen xen kẽ nhau đến tận đuôi.

Nếu không có kiến thức về rắn, cạp nia có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với khuyết lào, một loài thuộc họ rắn nước vô hại với con người, nhưng cũng sở hữu cơ thể với các khoang trắng, đen xen kẽ. Chính điều này khiến nhiều người nhầm lẫn và liều lĩnh bắt cạp nia bò vào nhà, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Cách để phân biệt giữa cạp nia và khuyết lào đó là kích thước của các khoang màu trên cơ thể. Với cạp nia, các khoang này khá tương đồng và bằng nhau, phân bổ đều từ đầu đến tận đuôi, trong khi đó các khoang trên cơ thể khuyết lào thường không bằng nhau.

Một cách phân biệt khác đó là cơ thể rắn khuyết lào tròn trịa, trong khi cạp nia có cơ thể dạng tam giác với phần sống lưng nhô cao nổi bật chạy dài từ cổ tới đuôi.

Rắn cạp nia thường bị nhầm lẫn với khuyết lào, loài rắn không có độc, khiến nhiều người chủ quan (Ảnh: Tumblr).

Rắn cạp nia thường bị nhầm lẫn với khuyết lào, loài rắn không có độc, khiến nhiều người chủ quan (Ảnh: Tumblr).

Rắn cạp nia sở hữu nọc độc thần kinh, với độc lực được đánh giá còn cao hơn cả rắn hổ mang. Cú cắn của rắn cạp nia khiến nạn nhân bị suy hô hấp, liệt cơ và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đáng chú ý, rắn cạp nia cắn thường không gây sưng, đau nên có thể khiến nạn nhân không biết mình đã bị cắn. Vết cắn chỉ để lại 2 dấu của nanh độc, nhưng không gây sưng phù hay hoại tử khiến nhiều người chủ quan, điều này dẫn đến việc đi cấp cứu trễ làm nạn nhân tử vong.

Rắn cạp nia thường hiền lành vào ban ngày, nhưng đến đêm chúng sẽ nhanh nhẹn, linh hoạt và hung hăng hơn khi bị đe dọa, kích động. Đáng chú ý, rắn cạp nia bị thu hút bởi ánh sáng đèn, do vậy chúng thường trườn theo ánh sáng để vào nhà khi đêm đến, dẫn đến khả năng chạm trán với con người.

Các chuyên gia bắt rắn khuyến nghị nếu không biết rõ rắn có độc hay không và không có kinh nghiệm xử lý các loài rắn, mọi người tuyệt đối tránh xa và không chủ động bắt rắn, mà nên gọi điện nhờ những người có kinh nghiệm xử lý trong trường hợp rắn bò vào nhà.

Theo ITN/KS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm