Lần đầu tiên phát hiện lươn điện có thể đi săn theo nhóm

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hồ nhỏ chứa hơn 100 con lươn điện cùng lúc đi săn mồi và đây là điều rất bất thường.

Lần đầu tiên phát hiện lươn điện có thể đi săn theo nhóm - 1

Nghiên cứu do cộng sự nghiên cứu về cá của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, C. David de Santana, đứng đầu tuyên bố đã phát hiện ra một hồ nhỏ chứa hơn 100 con lươn điện cùng lúc đi săn mồi. Thông thường lươn điện là những sinh vật đơn độc nên việc phát hiện ra rất nhiều lươn điện cùng lúc là điều rất bất thường.

Những con lươn điện trong hồ nước sông dọc theo bờ sông Iriri ở bang Pará của Brazil, đã cùng nhau dồn những con cá nhỏ gọi là cá tetra. Giống như một bầy sói, những con lươn điện đuổi theo bầy tetra theo nhóm 10 con, đôi khi chúng sẽ chia thành các bầy nhỏ hơn để bao vây và đồng thời giết chết con mồi.

Hành vi này chưa từng được ghi nhận trước đây ở những con lươn điện bởi chúng là những kẻ săn mồi hoàn toàn đơn độc.

"Săn theo nhóm khá phổ biến ở các loài động vật có vú, nhưng nó thực sự khá hiếm ở các loài cá. Thực tế, chỉ có chín loài cá khác được biết là làm được điều này", De Santana cho biết.

De Santana được biết đến là một huyền thoại trong cộng đồng nghiên cứu cá điện bởi đã phát hiện ra 85 loài cá điện mới ở Nam Mỹ và tăng gấp ba lần số lượng loài cá chình điện được biết đến chỉ trong năm ngoái.

"Nếu bạn biết về Electrophorus voltai, một cá thể của loài này có thể tạo ra một cú sốc điện 860 volt. Vì vậy về lý thuyết nếu 10 con lươn điện phóng điện cùng lúc có thể tạo ra tới 8.600 volt. Đó là khoảng cùng một hiệu điện thế cần thiết để cung cấp năng lượng cho 100 bóng đèn", de Santana thông tin.

Trong thời gian tới, de Santana và nhóm của ông sẽ thực hiện các phép đo trực tiếp các cú sốc do các cuộc tấn công đồng thời gây ra để hiểu rõ hơn về toàn bộ lực của cú sốc điện được sử dụng để làm choáng đàn cá tetra.

Tuy nhiên, trong khi điện áp của chúng cao, cú sốc chỉ kéo dài khoảng 3 phần nghìn giây.