1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Làm thế nào để đo lượng tuyết rơi?

(Dân trí) - Dù đã sang thế kỷ 21 và có những máy móc hiện đại nhưng thước vẫn là biện pháp đo lường đáng tin cậy nhất.


Tuyết rơi dày trên Manhattan, trong cơn “bão bom” ngày 4 tháng 1. Ảnh Adam Gray/Barcroft.

Tuyết rơi dày trên Manhattan, trong cơn “bão bom” ngày 4 tháng 1. Ảnh Adam Gray/Barcroft.

Cơn bão lốc xoáy nhiệt đới (biệt danh “bão bom”) ở miền Đông nước Mỹ đã khiến tuyết rơi ở những khu vực mà trước đó hầu như không thấy. Thành phố Charleston, bang Nam Carolina đo được lượng tuyết dày 5.3 inch (13,5 cm) trong ngày 3 tháng 1, gần như vượt mọi kỷ lục ở đây. Mức tuyết rơi được tính toán như thế nào? Điều này phức tạp hơn chúng ta nghĩ - công việc chủ yếu được thực hiện thủ công với thiết bị thô sơ.

Các bông tuyết, khi mới hình thành nhẹ và lan đi theo gió. Dần dần chúng va chạm, kết lại thành tinh thể và rơi xuống hoặc tan chảy dưới ánh nắng. Vì vậy Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ có hướng dẫn về cách đo tuyết tương đối chính xác. Phương pháp này đang được thực hiện hàng ngày bởi những quan sát viên tại các sân bay, phòng dự báo thời tiết và gần 9.000 tình nguyện viên ( được đào tạo ) tại các trang trại, thị trấn, thành phố và vườn quốc gia trên toàn nước Mỹ.

“Đó là một phép đo phức tạp vì có nhiều biến số từ gió đến mật độ tuyết rơi, thậm chí là hình dạng của tinh thể tuyết”, Justin Minder , phó giáo sư về khí quyển và môi trường tại Đại học Albany nói. Về cơ bản, thiết bị là một thước đo đơn vị inch (1 inch = 2,54 cm) và bảng đo tuyết, một tấm ván ép phẳng (24 x 24 inch) được sơn trắng sao cho nó không bị ánh nắng làm nóng lên khiến cho tuyết trên đó tan ra. Bảng đo cần phải được đặt trong một khu vực được che chắn, tránh gió và ánh nắng mặt trời, và đủ xa các tòa nhà hoặc cây cối - những thứ có thể chặn một phần lượng tuyết rơi xuống.

Sáu tiếng một lần, các quan sát viên sẽ kiểm tra thước đo và ghi lại lượng tuyết đã rơi trên bảng, sau đó lau đi để chuẩn bị cho lần đo sau. Đến đêm, số liệu được cộng dồn để ra tổng lượng tuyết rơi cho ngày hôm đó. Hoạt động này chủ yếu thực hiện tại các sân bay và trạm thời tiết. Còn với các tình nguyện viên không hưởng lương, Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ chỉ yêu cầu họ đo mỗi ngày một lần.


Đo tuyết thủ công ở hạt Baltimore, bang Maryland.

Đo tuyết thủ công ở hạt Baltimore, bang Maryland.

“Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đôi khi các bông tuyết kết chặt với nhau và nếu trời đổ mưa, bạn phải nhanh chóng tiến hành đo đạc trước khi tuyết tan ra hoặc bị ép xuống”, Bill Syrett , nhân viên quản lý trạm khí tượng tại Đại học Penn State hơn 20 năm, cho biết. "Một quan sát viên phải giữ cho đôi mắt mình luôn tinh tường”, ông nói.

Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ yêu cầu các quan sát viên đo sự tích tụ của tất cả tuyết rơi trong một khu vực, bằng cách sử dụng thước đo tại ba hoặc nhiều địa điểm rồi tính trung bình số liệu. Muốn biết có bao nhiêu nước trong tuyết, các quan sát viên sẽ làm tan hoàn toàn một mẫu đơn vị thu được từ bảng đo tuyết hoặc máy đo mưa. Trên thực tế, bông tuyết có thể khô, mịn hay ướt và nặng - nước từ nó là chìa khóa để xem xét nguy cơ lũ lụt khi tuyết tan, hoặc tính toán lượng nước sẽ được bổ sung vào hồ chứa và sông ngòi.

Một số trạm thời tiết, chẳng hạn trạm Mesonet ở New York có trang bị cảm biến tự động đo mức tuyết năm phút một lần. Nhưng những cảm biến này sẽ ngừng hoạt động nếu tuyết rơi quá dày, vì vậy phép đo thủ công vẫn là đáng tin cậy nhất. Một tình nguyện viên chỉ mất khoảng 15 phút mỗi ngày, và khi đã quen thì việc đó gần như sẽ trở thành ý thức của họ.

Tùng Anh

Theo Theverge