Lạm dụng rượu có thể làm tăng nguy cơ tâm thần phân liệt

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng rượu, cần sa và các ma tuý bất hợp pháp khác có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống sau này.

Lạm dụng rượu có thể làm tăng nguy cơ tâm thần phân liệt - 1

Nghiên cứu trước đó đã phân tích mối liên quan tiềm ẩn giữa lạm dụng chất kích thích và tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, do hạn chế về phương pháp luận trong y văn hiện có (bao gồm việc thiếu sự điều chỉnh lạm dụng nhiều chất cùng lúc) nên kết luận đưa ra vẫn chưa chắc chắn.

Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã nghiên cứu 3.133.968 người, xác định được 204.505 trường hợp lạm dụng chất và 21.305 người được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt.

Thông tin về lạm dụng chất được đưa ra từ các sổ đăng ký khác nhau và không bao gồm các triệu chứng loạn thần do lạm dụng chất. Điều này dẫn tới một mẫu lớn các cá nhân được tiếp xúc. Dữ liệu được phân tích sử dụng các kỹ thuật thống kê khác nhau và tính tới các yếu tố khác nhau gồm giới tính, môi trường sống nông thôn hay thành thị, các chất đồng lạm dụng và các chẩn đoán loạn thần khác, tiền sử loạn thần và lạm dụng chất của bệnh nhân, tình trạng nhập cư vào Đan Mạch của phụ huynh và tình trạng kinh tế xã hội của phụ huynh. Các tác giả thấy rằng một người có chẩn đoán lạm dụng bất cứ chất nào tăng 6% nguy cơ phát triển loạn thần, lạm dụng cần sa tăng 5,2 lần nguy cơ, lạm dụng rượu tăng 3,4 lần, thuốc gây ảo giác tăng 1,9 lần, thuốc an thần tăng 1,7 lần, amphestamin tăng 1,24 lần và các chất khác tăng 2,8 lần.

Các tác giả kết luận: “Sự gia tăng nguy cơ được tìm thấy thậm chí sau 10 tới 15 năm sau chẩn đoán lạm dụng chất. Kết quả nghiên cứu này ủng hộ mạnh mẽ mối liên quan giữa việc lạm dụng bất cứ chất nào và tăng nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt trong cuộc sống sau này”. Họ cũng bổ sung thêm rằng vì nghiên cứu này là một nghiên cứu thuần tập, nó không thể xác định lạm dụng rượu hay chất thực sự làm tăng nguy cơ tâm thần phân liệt.

Có thể là những người bị tâm thần phần liệt dễ lạm dụng chất hơn, hoặc có những người có thể nhạy cảm với cả lạm dụng chất và phát triển tâm thần phân liệt. Phân tích của các tác giả về dữ liệu chỉ ra rằng tất cả những giải thích này là có thể và họ kết luận mối liên quan giữa tâm thần phân liệt và lạm dụng chất là rất phức tạp. Trong một nghiên cứu thứ hai trên nhóm tương tự, lần này là do TS Carsten Hjorthøj (cũng của Bệnh viện ĐH Copenhagen, trung tâm Sức khỏe tâm thần Copenhagen, Gentofte, Đan Mạch) đứng đầu, các tác giả đã nghiên cứu vai trò tiềm ẩn của việc lạm dụng chất của bố mẹ trong sự phát triển tâm thần phân liệt. Việc lạm dụng được chia thành hai loại phụ thuộc vào lần đầu tiên được chẩn đoán trước và sau khi sinh. Các trường hợp tâm thần phân liệt được xác định ở Đăng ký nghiên cứu trung tâm loạn thần của Đan Mạch.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lạm dụng cần sa ở mẹ có liên quan với tăng 6 lần nguy cơ loạn thần ở trẻ, chẩn đoán trước khi sinh có nguy cơ tăng tương tự như được chẩn đoán sau khi sinh. Lạm dụng cần sa của bố làm tăng 5,5 lần nguy cơ tâm thần phân liệt ở trẻ bất kể là chẩn đoán trước hoặc sau khi sinh.

Hà Ngân (Theo THS)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm