1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kỷ lục lặn lâu nhất thế giới của chim cánh cụt ở Nam Cực

(Dân trí) - Chim cánh cụt hoàng đế là những tay thợ lặn cừ khôi, và các nhà khoa học ở Nam Cực đã tính thời gian lần lặn lâu nhất thế giới của loài chim sống dưới nước này.

Kỷ lục lặn lâu nhất thế giới của chim cánh cụt ở Nam Cực - 1

Những con chim cánh cụt bị theo dõi đã hoàn thành những lần lặn dưới nước kéo dài tới 32,2 phút, vượt qua kỉ lục trước đây là 27,6 phút. Trung bình, chim cánh cụt hoàng đế lặn khoảng 3-6 phút/ lần lặn.

Trung bình, chim cánh cụt lặn sâu khoảng 90,2m, nhưng đôi khi có thể sâu tới 450m. Hơn 96.000 lần lặn đã được ghi chép, và hầu hết các thẻ được gắn trong ít nhất sáu tháng.

Nghiên cứu này được biên soạn bởi Kim Goetz, một nhà sinh thái biển tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand, và đã đăng trên một tờ báo.

Goetz đã gắn thẻ 20 con chim cánh cụt tại Mũi Colbeck của Nam Cực vào năm 2013 để tiến hành tìm hiểu, nhưng nó gần như không tiến triển theo kế hoạch vì đội của cô đến muộn.

Cô cho biết: “Mục đích ban đầu của chúng tôi là gắn thẻ những con chim cánh cụt sinh sản ở Mũi Colbeck sau kì thay lông hàng năm của chúng vào cuối tháng một. Nhưng vì chuyến đi bị hoãn nên đến tận đầu tháng ba chúng tôi mới tới đó được. Chúng tôi không nghĩ chim cánh cụt vẫn còn ở đó và nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải định vị chúng trên các tảng băng trôi, điều này sẽ còn khó khăn hơn”.

May mắn thay, một số ít chim cánh cụt trưởng thành vẫn còn ở xung quanh Mũi Colbeck và họ đã mau chóng gắn thẻ cho chúng. Tuy nhiên vấn đề là những con chim này không phải chim cánh cụt sinh sản như mong đợi.

Goetz cho biết: “Nếu chúng là chim sinh sản, đường đi của chúng sẽ ngắn hơn nhiều và chúng sẽ trở lại khu sinh sản trước đầu tháng sáu nhưng chúng không như vậy. Chúng tiếp tục đi tìm kiếm vì không có lí do gì để trở lại”.

Nhưng điều đó cho phép Goetz và đội nghiên cứu khảo sát hành vi của chim cánh cụt hoàng đế trưởng thành sau khi chúng rời khỏi lãnh địa sinh sản, điều mà vẫn chưa được biết đến nhiều.

Nó cho phép đội nghiên cứu tìm hiểu xem những con chim cánh cụt này đi xa đến mức nào, khi hướng về phía những vùng nước sâu hơn để bắt cá. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng sống sót nhờ loài nhuyễn thể thường ẩn nấp ở những vùng nước nông hơn.

Goetz cho biết những phát hiện giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách chim cánh cụt hoàng đế sống sót trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất, xảy ra sau khi chúng rời khỏi lãnh địa sinh sản vào khoảng giữa tháng 12 đến giữa tháng một.

“Thế nên việc hiểu được toàn bộ chu kì cuộc sống của chúng, đặc biệt là khi loài chim này không bị hạn chế bởi nghĩa vụ nuôi con, rất quan trọng trong việc dự đoán cách chim cánh cụt hoàng đế phản ứng với những thay đổi về môi trường”.

Lộc Xuân (Theo Mashable)