1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kỳ lạ đôi bàn tay đàn ông được cấy ghép vào phụ nữ biến đổi thành “nữ tính”

(Dân trí) - Một phụ nữ trẻ ở Ấn Độ bị mất cả hai tay trong một tai nạn xe buýt đã nhận được tay từ một người hiến tặng da sẫm màu.

Kỳ lạ đôi bàn tay đàn ông được cấy ghép vào phụ nữ biến đổi thành “nữ tính” - 1
Siddanagowder cùng bàn tay được ghép.

Tuy nhiên, làn da của bàn tay cấy ghép của cô gái đã khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ khi biến đổi màu da sáng và thon thả hơn.

Sau tai nạn năm 2016, cánh tay của Shreya Siddanagowder 18 tuổi ở Ấn Độ đã bị cắt cụt dưới khuỷu tay. Năm 2017, cô đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép kéo dài 13 giờ được thực hiện bởi đội ngũ 20 bác sĩ phẫu thuật và 16 bác sĩ gây mê.

Bàn tay cấy ghép của cô đến từ một người đàn ông 21 tuổi chết sau tai nạn xe đạp. Trong một năm rưỡi tiếp theo, vật lý trị liệu đã cải thiện khả năng kiểm soát vận động của cánh tay và bàn tay của Siddanagowder. Nhưng điều đáng chú ý là cánh tay được ghép từ người đàn ông quá cố bất ngờ dần dần trở nên thon thả hơn so với thời điểm cấy ghép.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, có một sự thay đổi bất ngờ khác đó là da trên các chi mới của cô có màu sáng hơn, trong khi tay người đàn ông sẫm màu. Do đó, nó phù hợp hơn với màu da của Siddanagowder hơn.

Các bác sĩ điều trị cho Siddanagowder nghi ngờ rằng cơ thể cô sản xuất ít melanin hơn so với người hiến tặng, điều này có thể giải thích cho việc làm sáng phần tay mới của cô (melanin là sắc tố cho màu da).

“Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng này”, bác sĩ Uday Khopkar, trưởng khoa da liễu tại Bệnh viện King Edward Memorial ở Mumbai, nói.

Trên thực tế, các ứng cử viên cho cấy ghép tay phải trải qua các đánh giá và tư vấn có thể kéo dài hàng tháng. Các chuyên gia đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm máu và chụp X-quang và đánh giá chức năng thần kinh ở các chi bị cắt cụt. Các ứng viên đủ điều kiện sau đó được đưa vào danh sách chờ và được kết hợp với các nhà tài trợ tay dựa trên các yếu tố như màu da, kích thước bàn tay và nhóm máu.

Trong khi đó ca phẫu thuật của Siddanagowder nổi tiếng là ca ghép tay đầu tiên được thực hiện ở châu Á nên giờ lại càng nổi tiếng hơn. "Tôi là phụ nữ đầu tiên trên thế giới có bàn tay nam như vậy", Siddanagowder cho biết trong một video được chia sẻ trên Facebook vào tháng 6 năm 2019.

Hiện tại, một lời giải thích cho bàn tay của Siddanagowder có hình dạng "nữ tính" kỳ lạ như vậy được cho có thể là cơ bắp thích nghi với vật chủ mới của nó, nhà vật lý trị liệu Ketaki Doke, người làm việc với Siddanagowder ở thành phố Pune giải thích.

"Dây thần kinh bắt đầu gửi tín hiệu và cơ bắp hoạt động theo nhu cầu của cơ thể. Các cơ trong tay cô ấy có thể đã bắt đầu thích nghi với cơ thể phụ nữ”, nhà vật lý trị liệu Ketaki Doke nhấn mạnh.

Các bác sĩ của Siddanagowder đang theo dõi những thay đổi về màu sắc và hình dạng da của bàn tay cô và họ hy vọng sẽ công bố chi tiết cấy ghép và phục hồi của cô trong một báo cáo cụ thể. Nhiều bằng chứng sẽ được yêu cầu giải trình để hiểu những gì đang thúc đẩy những thay đổi này trong bàn tay được cấy ghép của Siddanagowder.

Khôi Nguyên

Theo IFL Science