Kratom: Thực phẩm chức năng hay thuốc gây nghiện?

(Dân trí) - Gần đây, kratom được giới thiệu là thực phẩm chức năng làm hưng phấn, tăng lực, chống mệt mỏi đã bắt đầu được “xách tay” vào nước ta.

Trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, kratom đã tâm điểm của nhiều tranh luận gay gắt xoay quanh câu hỏi: Kratom là gì ? Thực phẩm chức năng hay thuốc gây nghiện? Nên cho dùng hay cấm đoán?

Định danh

Cây kratom có tên là Mitragyna speciosa, còn có tên là Herbal Speedball; Biak-biak; Ketum; Kahuam; Ithang; Thom. Đây là loại cây nhiệt đới có nguồn gốc ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Papua New Guinea, và một số nước ở châu Phi, lá kratom có chứa hợp chất sinh học, quan trọng nhất là mitragynine, một loại thuốc phiện (opioid), và chất 7-hydroxymitragynine (7-HMG) có tác dụng hướng thần (psychoactive, mind-altering agent).

Kratom có thể được dùng dưới dạng nguyên lá, xay bột đóng gói, hoặc dạng chất chiết xuất hay nhựa mủ (gum) làm thực phẩm chức năng tạo hưng phấn, thoải mái….như uống cà phê.

Vì được cho sử dụng hợp pháp, nhiều người dùng kratom để giảm bớt biểu hiện khi cai nghiện, nên hiện nay ở Mỹ lại có nhiều người quay ra nghiện và tái nghiện kratom.

Kratom: Thực phẩm chức năng hay thuốc gây nghiện? - 1

Kratom đã được sử dụng lâu đời

Từ nhiều thế kỷ trước, kratom được sử dụng trong y học cổ truyền tại các quốc gia Đông Nam Á. Dân bản địa thường nhai lá kratom để tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất, cởi mở, thích nói chuyện-giao tiếp và gia tăng các hành vi như uống cà phê.

Do tính chất độc hại của thuốc, kratom bị cấm ở Thái Lan năm 1979 và ở Malaysia năm 2003. Mặc dù có lệnh cấm, việc sử dụng thuốc vẫn được tiếp tục ở các nước phương Tây. Đặc biệt, kratom vẫn tiếp tục được buôn lậu từ các khu rừng nhiệt đới ở Thái Lan để bán ở những quốc gia như Hoa Kỳ..

Vì kratom vẫn còn hợp pháp ở nhiều bang như Colorado, New York, North Carolina của Hoa Kỳ, nhiều loại đồ uống có kraton được phục vụ trong các “kratom bar” dưới dạng các loại đồ uống pha chế.

Kratom là thực phẩm chức năng hay thuốc gây nghiện

* Kratom là thực phẩm chức năng

Từ nhiều thế kỷ trước, vì thấy tác dụng hướng thần như cà phê, người dân bản xứ thường nhai lá, uống bột hay dịch chiết từ cây kratom để tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất, cởi mở, thích nói chuyện-giao tiếp và gia tăng các hành vi tích cực.

* Kratom là thuốc gây nghiện

Tác dụng của kratom bắt đầu sau 5-10 phút và có thể kéo dài trong 2-5 giờ. Nói chung, kratom có tác dụng như thuốc phiện (opiates): Ở liều thấp (10 gram), kratom tạo ra cảm giác hưng phấn, hoạt bát, năng động trong trò chuyện và hành vi xã hội... Ở liều cao hơn (20-50 gram), nó có thể tạo ra cảm giác an thần, thoải mái và giảm đau.

Những tác dụng phụ không muốn (undesirable side effects) của kratom là buồn nôn, ngứa, vã mồ hôi, khô miệng, táo bón, ăn mất ngon, tăng tiểu tiện. Dùng kratom lâu dài có thể bị chán ăn, sụt cân, mất ngủ, xạm da, táo bón. Một số người dùng kratom bị viêm gan độc chất, rối loạn tâm thần.

Chưa có nghiên cứu khoa học nào về khả năng dùng kratom để điều trị và kiềm chế các triệu chứng cai nghiện thuốc phiện hoặc các chất khác như rượu. Nhưng trong thực tế, lại đã có trường hợp phụ thuộc và nghiện kratom với những hệ lụy như loạn cảm, đau cơ, mất ngủ, thay đổi cảm xúc như dễ cáu giận, gây hấn…..

Đôi điều bàn luận

Từ tự do mua bán, sử dụng, nhiều bang ở Hoa Kỳ đã dần dần cấm sử dụng nó như Indiana, Tennessee và Vermont…Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhận định klatom có những tác dụng xấu cho sức khỏe như thuốc phiện (morphine like), bao gồm suy hô hấp, ảo giác, buồn nôn, nôn mửa. Do đó, FDA đã từ chối cấp phép lưu hành các thực phẩm chức năng hay thuốc Đông dược có thành phần từ lá kratom và yêu cầu các cơ quan chức năng tịch thu các lô hàng nhập khẩu có chứa kratom.

Từ tháng 10/2016, Cơ quan Bài trừ Ma túy Hoa Kỳ (Drug Enforcement Administration DEA) cũng đã xếp kratom vào Bảng 1 (nghiêm cấm sản xuất, mua bán dưới mọi hình thức) và hai năm sau, tháng 10-2018, nếu không có phản biện tin cậy hoặc FDA gỡ bỏ lệnh cấm thì việc xếp bảng này được thực hiện vĩnh viễn.

Hiện nay, ngoài Hoa Kỳ nhiều nước khác như: Liên minh châu Âu EU (2011), Úc và Tân Tây Lan (2015), Canada (2016), Anh (2016), và 16 quốc gia khác đã cấm kratom.

Một nghịch lý, là đến đầu năm 2018, cây kratom và các hoạt chất của nó vẫn chưa có có tên trong danh sách cấm của Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện và các tiền chất (United Nations International Convention on Narcotics, Narcotic Drugs and Substances).

Theo tôi, thực phẩm chức năng là trung gian giữa thực phẩm và dược phẩm, cần phải được quản lý và sử dụng có liều lượng, liệu trình như thuốc.

Hơn nữa kratom có tác dụng dược lý của một thuốc hướng thần, thay đổi nhận thức, gây nghiện (psychoactive, mind-altering, addictive agent) phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng tránh gây nghiện, lệ thuộc nó.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm