Kính viễn vọng ghi lại khoảnh khắc lỗ đen "kết liễu" thiên hà

Minh Khôi

(Dân trí) - Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) mới đây đã ghi lại khoảnh khắc thú vị, khi một lỗ đen siêu lớn trong vũ trụ sơ khai đang giết chết thiên hà nơi nó tồn tại.

Kính viễn vọng ghi lại khoảnh khắc lỗ đen kết liễu thiên hà - 1

JWST quan sát thấy thiên hà GS-10578 "bị chết đói" do lỗ đen siêu lớn kế bên (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Đáng chú ý, lỗ đen này không "nuốt chửng" toàn bộ thiên hà, mà làm nó "chết đói" bằng cách triệt tiêu từng ngôi sao bên trong.

Các nhà thiên văn học cho biết, các thiên hà thường được coi là "chết" hoặc "yên tĩnh" khi quá trình hình thành sao của chúng bị cắt đứt. Điều này có thể xảy ra khi các khối xây dựng của các ngôi sao, gồm các đám mây khí và bụi dày đặc, đã cạn kiệt sau một thời gian rất dài.

Thế nhưng, chúng cũng có thể bị hút lấy bởi một vật thể khác, chính là các lỗ đen siêu lớn nằm ở trung tâm của thiên hà.

Hiện tượng kể trên đã được quan sát tường tận bởi JWST, và cũng là lần đầu tiên chúng ta phát hiện thấy bằng chứng về nó.

"Lỗ đen thực sự có thể dập tắt sự ra đời của các ngôi sao bằng cách làm các thiên hà "chết đói", các nhà khoa học của dự án đến từ Đại học Cambridge (Anh), đưa ra nhận định.

Thiên hà này ban đầu có tên chính thức là GS-10578, nhưng sau đó được đặt biệt danh "Thiên hà của Pablo", dựa theo tên của thành viên nhóm đã đề xuất quan sát chi tiết về mục tiêu này.

Thiên hà Pablo nằm cách xa Trái Đất khoảng 11,5 tỷ năm ánh sáng, nghĩa là nó được nhìn thấy như thể chỉ mới 2,3 tỷ năm sau Vụ nổ lớn.

Với khối lượng gấp 200 tỷ lần Mặt Trời, thiên hà có kích thước gần bằng dải Ngân Hà của chúng ta, nơi đã sản sinh ra hầu hết các ngôi sao từ 12,5 tỷ đến 11,5 tỷ năm trước.

Dựa trên các quan sát trước đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng thiên hà Pablo đang ở trạng thái dập tắt. Nghĩa là nó không hình thành thêm các ngôi sao mới.

Để đưa ra nhận định này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng JWST để xác định rằng lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà Pablo đang đẩy một lượng lớn khí ra xa với tốc độ lên tới 2,2 triệu dặm một giờ. Tốc độ này nhanh gấp 1.500 lần tốc độ tối đa của máy bay chiến đấu phản lực Lockheed Martin F-16.

Tốc độ khí này mạnh đến nỗi có thể đánh bại lực hấp dẫn của thiên hà Pablo, và hút lấy mọi vật chất cần thiết để hình thành nên các ngôi sao mới.

Theo www.space.com