Kiểu thời tiết cực đoan "nắng nóng - mưa xối xả" sẽ còn tiếp diễn

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Xu thế nóng lên toàn cầu ở mức trung bình 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp gây ra những kiểu thời tiết cực đoan tại Việt Nam và trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn tới kiểu thời tiết cực đoan "nắng mưa thất thường"

Thời gian gần đây ở một số tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Bộ... xuất hiện kiểu thời tiết bất thường với nắng nóng gay gắt, rồi ngay lập tức tiếp diễn bằng đợt không khí lạnh gây mưa dông diện rộng. Tại một số nơi thậm chí ghi nhận đi kèm hiện tượng dông lốc, mưa đá.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) cho biết sở dĩ có hiện tượng này là bởi Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển mùa.

"2 đợt nắng nóng ngay đầu mùa vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã đánh dấu những kỷ lục mới tại Việt Nam. Cùng với đó là hiện tượng mưa lớn diện rộng ngay sau nắng nóng", PGS. TS đánh giá.

Kiểu thời tiết cực đoan nắng nóng - mưa xối xả sẽ còn tiếp diễn - 1

Giữa tháng 4 vừa qua, cơn mưa lớn khiến đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM biến thành "sông" (Ảnh: Hải Long).

Tại đó, chúng ta có sẵn nền nhiệt và độ ẩm cao. Khi có sự xâm nhập của không khí lạnh, sẽ gây ra sự tranh chấp giữa 2 khối khí khác nhau, gây ra hiện tượng đối lưu mạnh, dẫn đến các kiểu thời tiết nguy hiểm mưa lớn, dông lốc, kèm theo mưa đá...

Hiện tượng này thường ghi nhận xảy ra ở khu vực Bắc bộ, bắc và trung Trung bộ, khi hình thế thời tiết mùa hè và sự phát triển mạnh của áp thấp phía tây hay dải thấp bị nén, kết hợp với địa hình gây hiệu ứng gió phơn đối với một số tỉnh miền Trung.

Vị chuyên gia này cũng nêu bật sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khi cho rằng điều này đã rõ với xu thế nóng lên toàn cầu ở mức trung bình khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

"Với mỗi một độ nóng lên trung bình, phản ứng của hệ thống khí hậu càng gia tăng, dẫn đến sự thay đổi về các hoàn lưu khí quyển cũng như tác động ngược của chúng đến nhiệt độ toàn cầu", PGS. TS thông tin cho biết.

Như vậy, chừng nào biến đổi khí hậu còn chưa được kiểm soát, thì sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, sóng nhiệt dẫn đến nắng nóng và hạn hán..., vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Một mùa hè nóng bức được dự đoán ở khắp nơi trên thế giới

Kiểu thời tiết cực đoan nắng nóng - mưa xối xả sẽ còn tiếp diễn - 2

Năm 2022 có mùa hè nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận tại châu Âu (Ảnh: Reuters).

Theo dữ liệu từ ERA5, vào năm 2022, thế giới đã trải qua năm nóng thứ 8 liên tiếp được ghi nhận so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong đó, những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu lần lượt là 2016, 2020, 2019 và 2017. 

Tổ chức này đánh giá nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn khoảng 0,3 độ C so với giai đoạn tham chiếu 1991 - 2020, tương đương cao hơn khoảng 1,2 độ C so với giai đoạn 1850 - 1900, thường được sử dụng làm thước đo cho thời kỳ tiền công nghiệp.

Riêng tại Châu Âu, khu vực này đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt cao hơn kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 8/2021 là 0,4 độ C. 

Trong một bài viết được đăng tải ngày 8/5, Trung tâm Dự báo Môi trường Canada cảnh báo khu vực này đang chuẩn bị cho đợt nắng nóng cao hơn khoảng từ 10-15 độ so với mức nhiệt trung bình hàng năm.

Được biết, nhiệt độ trung bình vào ban ngày cao nhất vào giữa tháng 5 ở Canada là khoảng 17 độ C. Tuy nhiên, trong 2 ngày liên tiếp, nhiệt độ đã lên 29 độ C.

Kiểu thời tiết cực đoan nắng nóng - mưa xối xả sẽ còn tiếp diễn - 3

Mức tăng nhiệt trung bình hàng năm theo đánh giá của các tổ chức toàn cầu (Ảnh: Trung tâm Biến đổi Khí hậu Copernicus/ECMWF).

Châu Âu cũng đang chuẩn bị cho kịch bản với những đợt nắng nóng khắc nghiệt vào hè 2023, dự kiến sẽ còn khủng khiếp hơn so với năm ngoái. Các báo cáo cho rằng nắng nóng có thể ảnh hưởng sớm tới các quốc gia bao gồm Belarus, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) lại lo ngại về hiện tượng lưỡng cực dị thường xảy ra ở Mỹ giai đoạn đầu và cuối mùa Đông.

Hiện tượng này xảy ra với mùa đông lạnh hơn bình thường ở các bang miền Tây, trong khi điều ngược lại được ghi nhận ở miền Đông với mùa đông ấm hơn rất nhiều.

Theo PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà, hiện tượng dao động phương Nam (viết tắt: ENSO) - thường dùng để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những sự khác biệt hàng năm của thời tiết ở nhiều vùng trên thế giới.

PGS. TS cho rằng với việc Trái Đất đã có 3 năm liên tục chịu ảnh hưởng của La Nina ở bắc Bán cầu, và dự báo sẽ có El Nino vào cuối mùa hè 2023, nhiều xáo trộn của nhiệt độ bề mặt đại dương dẫn đến các hiện tượng cực đoan sẽ có nguy cơ cao hơn ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tại thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chắc chắn cường độ hoặc thời gian chính xác hiện tượng El Nino xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, các tổ chức khí hậu toàn cầu đã sớm lên tiếng cảnh báo về một năm 2023 vô cùng khốc liệt, đặc biệt là trong giai đoạn nửa sau.

Kiểu thời tiết cực đoan nắng nóng - mưa xối xả sẽ còn tiếp diễn - 4

Đợt El Nino xảy ra vào năm 2015 dẫn đến hạn hán nghiêm trọng tại Philippines, nông dân cho biết họ đã bị mất 40% mùa màng (Ảnh: ABC).

Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo sự phát triển của El Nino trong năm 2023 rất có thể sẽ dẫn đến một đợt nóng diện rộng lên toàn cầu, thậm chí phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.

"Chúng ta có thể đang chứng kiến năm 2016 lặp lại với tư cách là năm nóng nhất lịch sử. Mọi thứ có thể khốc liệt hơn do hiện tượng El Nino và sự nóng lên toàn cầu gây ra "bùng nổ kép"", ông Taalas cho biết.

Người đứng đầu WMO khuyến nghị, các quốc gia cần phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ những người dân bị đe dọa hay dễ bị tổn thương bởi nhiệt.

"Thế giới phải chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino, nó có thể gây ra các sự kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn", ông Taalas khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm