1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Kì lạ bộ tộc “người cá” tại Indonesia

(Dân trí) - Với khả năng lặn sâu lên tới 79 m, không cần công cụ hỗ trợ, những người đàn ông trong bộ tộc Bajau Laut có thể lặn liên tục trong khoảng thời gian hơn 3 phút.

Người Bajau Laut, Indonesia, được mệnh danh là những “người du mục trên biển” hay “người cá”. Sở dĩ bộ tộc Bajau Laut có cái tên này là bởi lối sống du mục trên biển, với hơn 60% thời gian họ dành ở dưới nước, kiếm sống bằng cách đánh cá và khai thác các sản vật của biển.

Người Bajau Laut ở Indonesia có khả năng lặn biển siêu đẳng.
Người Bajau Laut ở Indonesia có khả năng lặn biển siêu đẳng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất của tộc người này chính là người Bajau Laut có sự “tiến hoá” để thích nghi với đời sống dưới nước nhiều hơn trên bờ của mình.

Không cần có bất kì công cụ hỗ trợ nào, ngoại trừ một cặp kính lặn bằng gỗ, người Bajau Laut có thể lặn xuống độ sâu kỷ lục gần 80m nước và nhịn thở 3 phút.

Trước khả năng kì lạ này của người Bajau Laut, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell mới đây, các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra người Bajau khác biệt so với những người bình thường bởi họ có lá lách lớn hơn.

Đáng chú ý hơn đó là lá lách của cả những người Bajau không thường xuyên lặn biển cũng lớn hơn. Điều này rất quan trọng để chứng minh rằng tộc người Bajau Laut đã “tiến hoá” để thích nghi với môi trường sống và đó là yếu tố di truyền chứ không phải do kinh nghiệm.

Người Bajau Laut có lá lách lớn hơn so với người bình thường.
Người Bajau Laut có lá lách lớn hơn so với người bình thường.

Trên thực tế, lá lách là một đặc điểm quan trọng với những thợ lặn người Bajau Laut bởi trong khi lặn, lá lách co lại và đẩy các tế bào hồng cầu này vào máu để tuần hoàn, tăng khả năng vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. Với lá lách lớn hơn so với người bình thường, người Bajau Laut mới có khả năng lặn sâu siêu đẳng như vậy được.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một biến thể gene thường gặp trong quần thể người thể Bajau đó là một gene giúp kiểm soát mức độ hoóc-môn T4, được tạo ra bởi tuyến giáp. Loại hormon này làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, có thể giúp chống lại mức oxy thấp trong máu.

Trên thế giới, hiện cũng có những nhóm người thiểu số hiếm hoi có các đặc điểm di truyền “tiến hoá” để thích nghi với điều kiện sống khác biệt. Một ví dụ cụ thể chính là người dân tộc thiểu số Tây Tạng có đột biến gene giúp họ sản sinh ra nhiều hồng cầu hơn bù lại lượng oxy trong không khí loãng ở trên núi cao.

Khôi Nguyên (Theo Science Alert)