Không quân Mỹ sắp thử nghiệm vũ khí "siêu thanh" bí mật

Trang Phạm

(Dân trí) - Không quân Mỹ vừa hé lộ thông tin vào "một thời điểm" trong vài tuần tới, một máy bay ném bom B-52H sẽ mang loại tên lửa mới lên không trung và phóng nó với vận tốc chưa từng có về phía mục tiêu.

Không quân Mỹ sắp thử nghiệm vũ khí siêu thanh bí mật - 1
Ngày 12 tháng 6 năm 2019, một chiếc B-52 mang theo nguyên mẫu ARRW (màu trắng, dưới cánh trái) trong một cuộc thử nghiệm mà nó không được phóng.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, tên lửa đó sẽ tăng tốc lên gấp 5 lần tốc độ âm thanh trước khi triển khai giai đoạn hai kịp thời "tan rã" ở một nơi nào đó trong bầu khí quyển.

Tên lửa được gọi là AGM-183A, được cho là vũ khí siêu thanh đầu tiên - hay còn được biết đến là vũ khí phản ứng nhanh (ARRW), được phóng từ trên không nằm trong kho vũ khí của Mỹ.

Nó sẽ di chuyển rất nhanh trong bầu khí quyển khoảng 20 lần tốc độ âm thanh và ở độ cao thấp đến mức các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương không thể cản được. Với tốc độ như vậy đồng nghĩa là nó có thể rất hữu ích để tiêu diệt "các mục tiêu có giá trị cao, nhạy cảm với thời gian".

Các thiết kế tên lửa siêu thanh, bao gồm cả thiết kế tên lửa mới này, thường bao gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, một tên lửa tăng tốc lên gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, trong khi vẫn ở độ cao thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bay vòng trên bầu khí quyển trước khi thực hiện giai đoạn tiếp theo. Thứ hai, nó phóng ra một tàu lượn mang theo vũ khí cho chặng cuối cùng của cuộc hành trình tới mục tiêu, lướt trong bầu không khí giống như một người lướt sóng đang nhấp nhô và len lỏi trên những con sóng.

Về lý thuyết, độ cao thấp hơn đó khiến vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện hơn và khó bị tiêu diệt hơn. Một vật thể càng gần mặt đất, thì càng có nhiều thứ từ cây cối, tòa nhà đến một chiếc máy bay khác sẽ cản tầm nhìn. Về mặt lý thuyết, tên lửa siêu thanh khó bị bắn hạ hơn vì lý do tương tự, hầu hết công nghệ phòng thủ tên lửa được thiết kế để đánh chặn ICBM ở gần đỉnh của vòng cung của nó trong không gian. Trên đó, hệ thống phòng thủ tên lửa có đường ngắm mục tiêu rõ ràng hơn và bản thân ICBM di chuyển theo cách dễ đoán hơn.

Trước đó, một tàu lượn siêu thanh có tên Mach 20 sẽ di chuyển với tốc độ tương đương với ICBM hàng thập kỷ trước, có thể tăng tốc với vận tốc tương tự trong quá trình du hành vũ trụ nhưng phải bay một khoảng cách xa hơn nhiều để đạt được cùng mục tiêu.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất nghiên cứu công nghệ vũ khí siêu thanh. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng công bố chương trình vũ khí siêu thanh của riêng nước này vào năm 2018, đồng thời nhấn mạnh vũ khí siêu thanh của Nga cũng sẽ đạt tốc độ như Mach 20.

Tuy nhiên, Pavel Podvig, một nhà phân tích quân sự, nói vào thời điểm đó rằng những vũ khí như vậy có thể sẽ không hữu ích.

Trong khi đó, Không quân Mỹ nhấn mạnh ý tưởng rằng ARRW có thể hữu ích khi chống lại các mục tiêu "nhạy cảm với thời gian", vì tốc độ cao của nó là rất đặc biệt.

Podvig phân tích, mối nguy hiểm của vũ khí siêu thanh là chúng không được đề cập trong các hiệp ước hiện có nhằm ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang và vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh công nghệ này.

Podvig nói: "Những hệ thống này tạo ra rủi ro lớn hơn về tính toán sai lầm chiến lược và không rõ liệu chúng ta có thể đối phó hiệu quả với những rủi ro đó hay không".

Trong khi đó, có những câu hỏi về việc liệu công nghệ siêu thanh có hoạt động hay không. Bài kiểm tra sắp tới sẽ chỉ chứng minh nó sẽ là công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng thử nghiệm này cũng đã từng bị trì hoãn. Cụ thể, tên lửa đã đến Căn cứ Không quân Edwards ở California vào ngày 1 tháng 3 và ban đầu dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 3. Sau đó, tuyên bố ngày 5 tháng 3 đã kéo dài mốc thời gian đó lên "30 ngày tới" mà không có lời giải thích.