1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Không nên quá lo ngại về các nhà máy điện hạt nhân sát biên giới

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí chiều 14/10, Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta không có gì đáng lo ngại khi ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc ở gần biên giới đi vào vận hành”

Tiến sĩ Thành cho rằng, các nhà máy điện hạt nhân được xây trên đất của Trung Quốc thì về nguyên tắc chúng ta không thể cản họ được. Hơn nữa, ở Châu Âu thì việc nước này có nhà máy hạt nhân, nước kia không có thì cũng là chuyện bình thường. Ở Châu Âu thì mật độ các nhà máy điện hạt nhân lại khá dày đặc.

Về mặt thiết kế, kỹ thuật thì hiện nay có những thiết kế mới nên nó hoàn toàn đảm bảo an toàn. Chính vì thế chúng ta không nhất thiết phải lo ngại.

Trước câu hỏi về việc các nhà máy điện hạt nhân hoạt động thì có ảnh hưởng đến môi trường hay không? TS Thành cho biết: Khi nhà máy điện hạt nhân hoạt động thì nó sẽ thực hiện theo chu kì khép kín nên không có gì để ảnh hưởng đến môi trường.

“Khi thiết kế người ta phải tính toán kỹ lưỡng tất cả mọi trường hợp và nó phải được thẩm định và cấp phép của những cơ quan pháp quyền hạt nhân” – TS Thành cho hay.

TS Thành cũng khẳng định, khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thì cả thế giới phải nhìn vào và nếu có xảy ra sự cố thì cả thế giới bị ảnh hưởng chứ không riêng gì các nước lân cận. Chính vì thế, từ thiết kế, xây dựng, chất lượng thiết bị, đội ngũ vận hành, vận hành, bảo dưỡng…đều được kiểm tra rất là nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Nếu không đảm bảo an toàn thì chắc chắn sẽ không được vận hành.

Liên quan đến việc sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này, PGS.TS Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xác nhận với Dân trí là chưa ấn định được thời gian cụ thể của cuộc gặp này bởi còn phụ thuộc vào nhiều thứ.

PGS.TS Tấn cũng thông tin, Trung Quốc đã gửi báo cáo cho Ban điều hành Công ước An toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Báo cáo này được gửi cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam để xem có ý kiến gì hay không. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập hợp ý kiến của một số bộ/ngành và sau đó sẽ gửi sang IAEA và IAEA có trách nhiệm gửi sang Trung Quốc để yêu cầu họ trả lời chứ Việt Nam không gửi trực tiếp. Sau đó, tại cuộc họp thường niên ở Vienna, Áo thì mới trao đổi, thảo luận trực tiếp.

Nguyễn Hùng