Không còn hy vọng phục hồi lại rạn san hô lớn nhất thế giới
(Dân trí) - Năm 2017 chứng kiến hiện tượng tẩy trắng san hô trên diện rộng lần thứ 2 liên tiếp tại rạn san hô Great Barrier Reef (Australia). Hy vọng về quá trình phục hồi san hô tại đây đã gần như không còn.
Tẩy trắng san hô (coral bleaching) là quá trình khi nhiệt độ bề mặt nước biển ấm lên, các loài tảo cộng sinh (zooxanthellae) không còn sinh sống trong các mô của san hô nữa khiến chúng trở lên trắng hoàn toàn. Quá trình tẩy trắng san hô không hẳn làm chết san hô nhưng sẽ đặt chúng dưới rất nhiều áp lực và có thể chết nếu quá trình đó diễn mạnh mẽ và kéo dài.
Trong chuyến khảo sát trên không gần đây nhất, các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu san hô thuộc Hội đồng nghiên cứu Australia đã khẳng định quá trình tẩy trắng san hô đã ảnh hưởng tới 2/3 tổng diện tích của toàn rạn san hô lớn nhất thế giới.
Rạn san hô Great Barrier Reeflà một di sản thiên nhiên thế giới và là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao nhất, có giá trị khoa học đặc biệt quan trọng. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp tẩy trắng san hô trên diện rộng diễn ra và đó thực sự là một hồi chuông báo động về hiện trạng san hô tại đây.
"Năm 2016 đã quá tồi tệ, còn năm nay thì thực sự là thảm họa", một chuyên gia của Hội đồng nghiên cứu Australia cho biết. Trong hai năm 2016 và 2017, hiện tượng tẩy trắng san hô đã diễn ra trên một khu vực trải dài khoảng 1,500 km khiến cho giờ đây chỉ còn lại vùng phía nam của rạn là chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng chú ý hơn là hiện tượng tẩy trắng trong năm nay xảy ra khi không có sự xuất hiện của El Niño - tác nhân có thể làm cho quá trình này trở lên mạnh mẽ hơn.
James Kerry - nhà sinh học biển, người dẫn đầu cuộc khảo sát - cho biết: "Chúng tôi e ngại rằng khả năng san hô bị chết sẽ ở mức cao. Tuy quá trình tẩy trắng không làm chết ngay san hô nhưng về cơ bản, cần ít nhất một thập kỷ để các rạn san hô có thể phục hồi được với tốc độ nhanh nhất. Nhưng hai sự kiện tẩy trắng diện rộng diễn ra chỉ trong vòng 12 tháng sẽ làm cho các khu vực bị ảnh hưởng vào năm 2016 không còn hy vọng phục hồi". Không chỉ thế, đây đã là lần thứ 4, rạn san hô lớn nhất thế giới này phải hứng chịu các đợt tẩy trắng diện rộng vào các năm: 1998, 2002, 2016 và 2017.
Bên cạnh quá trình ấm lên toàn cầu, chất lượng nước kém tại khu vực này cũng là nguyên nhân chính làm cho san hô bị tẩy trắng. Giáo sư Terry Hughes (đại học James Cook) cho rằng các chính phủ cần phải hành động ngay để ngăn chặn quá trình tẩy trắng trong tương lai và giúp phục hồi rạn san hô. "Chúng ta cần phải có sớm có những hành động giảm thiểu phát thải phát thải khí nhà kính, chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo. Nhiệt độ càng tăng, các rạn san hô sẽ càng thường xuyên đối mặt với các sự kiện tẩy trắng tương tự. Hãy xem, chỉ với 1oC tăng lên, chúng ta đã phải chứng kiến tới 4 đợt tẩy trắng chỉ trong vòng 19 năm qua".
Huế Viên (Tổng hợp)