Không có dấu hiệu của người ngoài hành tinh trong 1.300 ngôi sao gần nhất
(Dân trí) - Đó là kết quả mới nhất từ chương trình Tìm kiếm Trí tuệ ngoài Trái đất (SETI) toàn diện nhất từng được thực hiện, khảo sát 1.327 ngôi sao gần Trái Đất nhất để tìm tín hiệu từ những sinh vật thông minh.
"Chắc chắn không có gì rõ ràng ngoài kia. Không có nền văn minh tiên tiến đáng kinh ngạc nào đang cố gắng liên hệ với chúng tôi với các máy phát cực kỳ mạnh mẽ”, Daniel Price, nhà vật lý thiên văn tại Đại học California, Berkeley, và tác giả chính của báo cáo được công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn, nói.
Trong khi nhóm nghiên cứu không tìm thấy bất cứ điều gì trong khoảng thời gian này, Price nói rằng có thể có nhiều lời giải thích cho việc thiếu tín hiệu của người ngoài hành tinh. Có lẽ việc tìm kiếm được tiến hành ở tần số sai, hoặc những tín hiệu đó bị ẩn bởi nhiễu sóng vô tuyến từ Trái Đất.
Cuộc tìm kiếm được thực hiện như một phần của sáng kiến Đột phá, một nỗ lực trị giá 100 triệu USD, được tài trợ bởi tỷ phú người Nga, Yuri Milner, nhằm mục đích quét bầu trời để tìm ra kỹ thuật hoặc bằng chứng được tạo ra bởi các sinh vật ở thế giới khác.
Sáng kiến này, đã khởi động vào năm 2015, dựa trên 2 trong số các kính viễn vọng mạnh nhất thế giới: Kính thiên văn Robert C. Byrd Green Bank ở Tây Virginia và Kính viễn vọng Parkes ở New South Wales, Úc - để cố gắng nghe lén thông tin liên lạc của người ngoài hành tinh.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích số lượng cực lớn dữ liệu ở các bước sóng vô tuyến và quang học, nhìn vào hơn 1000 ngôi sao trong vòng 160 năm ánh sáng từ Trái Đất.
Vài ngàn tín hiệu thú vị xuất hiện trong quá trình tìm kiếm, tuy nhiên tất cả hóa ra đều bắt nguồn từ các thiết bị giống như các vệ tinh do con người tạo ra.
Jason Wright, nhà vật lý thiên văn tại Đại học bang Pennsylvania, người không tham gia vào công việc, nói rằng rất ấn tượng với cam kết của các nhà nghiên cứu về việc công bố dữ liệu của họ.
"Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một trong những khám phá quan trọng nhất mà loài người từng thực hiện", Price nhấn mạnh.
Trang Phạm
Theo Live Science