Khối u ung thư trong đuôi khủng long hóa thạch 60 triệu năm tuổi
(Dân trí) - Các khối u được tìm thấy trong một chiếc đuôi khủng long hóa thạch 60 triệu năm tuổi cho thấy các loài bò sát cổ đại bị một dạng ung thư đau đớn còn tồn tại ở con người cho đến ngày nay.
Xương của khủng long Hadrosaur - sống ở vùng phía nam tỉnh Alberta, Canada ngày nay - tiết lộ nó bị "bệnh mô bào Langerhans", hay LCH.
Ngày nay, tình trạng này rất hiếm ở người, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi. Bệnh có thể dẫn đến tổn thương mô và tổn thương trên cơ thể, với các triệu chứng thay đổi bất thường.
Bệnh của khủng long được xác định và mô tả bởi một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là nhà sinh vật học Hila May thuộc Đại học Tel Aviv, Israel.
"Chúng tôi đã phát hiện ra một điểm bất thường ở đốt sống đuôi của một con khủng long phổ biến trên thế giới 66-80 triệu năm trước", tiến sĩ May nói.
"Có những hốc lớn ở hai trong số các đốt sống của con khủng long này. Chúng trông giống các lỗ sâu răng được tạo ra bởi các khối u liên quan đến căn bệnh hiếm gặp LCH vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở con người", tiến sĩ May nói thêm.
"Hầu hết các khối u liên quan đến LCH, có thể rất đau đớn, đột nhiên xuất hiện trong xương của trẻ em từ 2 - 10 tuổi. Rất may, những khối u này biến mất mà không cần can thiệp y tế trong nhiều trường hợp".
Để điều tra các khối u trong xương đuôi khủng long, hóa thạch được gửi để quét CT tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt.
'Chúng tôi đã quét các đốt sống khủng long và tạo ra một sự tái tạo ba chiều trên máy vi tính của khối u và các mạch máu nuôi nó.'
'Các phân tích vi mô và vĩ mô đã xác định đó là bệnh LCH. Đây là lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện ở một con khủng long.'
+4
'Chúng tôi đang cố gắng để giải thích lý do một số bệnh tồn tại trong quá trình tiến hóa, với mục đích giải mã nguyên nhân gây ra chúng để phát triển những cách điều trị mới và hiệu quả hơn.'
Phương Huyền
Theo Daily Mail