1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khối chuyên của trường ĐH tiếp tục dẫn đầu ở cuộc thi khoa học kỹ thuật

(Dân trí) - Hai đề tài đạt giải Nhất toàn cuộc ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia đều đến từ các khối chuyên của trường ĐH. Đây là năm thứ hai liên tiếp, khối chuyên của các trường ĐH tiếp tục thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học vượt trội so với các trường phổ thông khác.

Ngày 8/3, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia khu vực phía Bắc chính thức khép lại. Mặc dù Hà Nội là đơn vị dẫn đầu với 4 giải Nhất lĩnh vực nhưng chung cuộc, nhóm học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư Phạm và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên mới là những người giành chiến thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao thưởng và giấy chứng nhận cho hai nhóm thí sinh đạt giải nhất toàn cuộc thi ở khu vực phía Bắc
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao thưởng và giấy chứng nhận cho hai nhóm thí sinh đạt giải nhất toàn cuộc thi ở khu vực phía Bắc

Hai đề tài nhận được giải nhất toàn cuộc gồm “Nghiên cứu tổng hợp một số phức chất có khả năng ức chế tế bào ung thư từ tinh dầu hương nhu và bạch kim” của học sinh Nguyễn Hà My và Nguyễn Quang Long đến từ trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và Đề tài “Nghiên cứu tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất” của học sinh Phạm Vũ Tuấn Phong, Nguyễn Bảo Ngọc đến từ Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Học sinh tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng

Đại diện Ban giám khảo, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh đã có một báo cáo khá chi tiết về cuộc thi năm nay. Theo đó, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc năm nay được tổ chức tại TP. Hải Phòng với sự tham gia của hơn 400 học sinh đến từ 36 đơn vị, bao gồm 234 dự án đăng ký ở 20 lĩnh vực, đã tạo nên một phong trào nghiên cứu khoa học rộng rãi trong toàn quốc, và có thể coi đó là tiền đề tươi sáng cho hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật của tuổi trẻ Việt Nam.

PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh đại diện Ban giám khảo đánh giá về cuộc thi
PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh đại diện Ban giám khảo đánh giá về cuộc thi

Với tinh thần của cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, Ban giám khảo (BGK) đã bám sát vào các tiêu chí cuộc thi, qua đó kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi và đổi mới của học sinh, không khuyến khích những nghiên cứu chỉ mang tính minh họa. Đặc biệt tìm hiểu các em làm khoa học như thế nào, tư duy ra sao, khả năng làm thực nghiệm thế nào để có được những kết quả sáng tạo, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Vì vậy, mục tiêu của cuộc thi không những khuyến khích nâng cao về số lượng của các dự án đăng ký tham gia mà còn muốn khơi dạy sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê với nghiên cứu khoa học của các em học sinh. Nhiều nhà khoa học trong Ban giám khảo đã cho rằng: Chính sự nhiệt tình, sự tự tin và vô tư của các em đã đem lại cho họ nguồn cảm hứng và càng thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm, sự công tâm của người cầm cân nảy mực trong vai trò là thành viên của BGK.

Trong cuộc thi năm nay đã có sự tham gia dự thi của nhiều công trình mới ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở (với 61 dự án và sự tham gia của 111 em). Các em lớp 8, lớp 9 tuy còn nhỏ tuổi, kiến thức được trang bị chưa bằng các anh chị cấp THPT, nhưng đã “so tài” với các anh chị bằng sự sáng tạo của chính mình và nhiều em đã thành công. Mặc dù những đề tài của các em THCS giá trị khoa học chưa cao thường bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn rất đời thường trong cuộc sống hàng ngày ở các địa phương, đôi khi còn pha chút ngây thơ nhưng lại có giá trị thực tiễn. Nhiều ý tưởng khá sáng tạo (đôi khi táo bạo), đã tạo nên sự hấp dẫn của cuộc thi.

“BGK khá ấn tượng với các đề tài của các em thuộc dân tộc ít người đến từ các tỉnh vùng cao, vùng sâu vùng xa đã mang tính thực tiễn và nhân văn cao vì nó được xuất phát từ cuộc sống của chính các em, của chính đồng bào dân tộc nơi các em đang sinh sống. Tính nhân văn trong các dự án khiến cho phần trình bày của các em đã đem lại những thiện cảm sâu sắc cho BGK” - PGS.TS Minh chia sẻ.

Phong phú đề tài, chất lượng được nâng cao

PGS.TS Minh cũng cho biết, trong tổng số 234 dự án dự thi có 19 dự án đạt giải nhất đã được chọn vào vòng thi chung cuộc. Đó là những dự án có chất lượng cao thuộc 8 lĩnh vực nghiên cứu. Trong đó có cả dự án khoa học, dự án kỹ thuật và dự án về khoa học xã hội – hành vi.

Các lĩnh vực nghiên cứu mà các em lựa chọn để dự thi năm nay khá phong phú, - Nhiều đề tài đã có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận những vấn đề lớn, có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật phòng thí nghiệm. Điều này giúp rèn luyện năng lực nghiên cứu khoa học của các em.

“Nhìn chung các đề tài năm nay được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy định của một công trình khoa học dự thi. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư cả về sức lực và vật chất; poster trưng bày đều đẹp, hấp dẫn và đúng yêu cầu” – PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh nói.

Đề tài nghiên cứu của học sinh phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao
Đề tài nghiên cứu của học sinh phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao

Cũng theo PGS.TS Minh, một điều hết sức vui mừng trong vòng thi toàn cuộc là kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của các em khá rõ ràng, tự tin làm cho BGK khá hài lòng. Bên cạnh việc trình bày lưu loát bằng tiếng Việt, một số em đã cho thấy khả năng trình bày và trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh khá chuẩn, lưu loát đúng như mong muốn của yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Mặc dù cuộc thi năm nay có nhiều thành công, tuy nhiên cũng còn một vài hạn chế cần đề cập tới. Đó là một số đề tài mặc dù có ý tưởng khoa học, nhưng đôi khi là ý tưởng khá lớn, chưa có đủ thời gian, kiến thức và các điều kiện cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình. Vì vậy mới chỉ dừng lại ở cảm nhận ban đầu và đôi khi kết luận còn mang tính chủ quan.

Một số đề tài có ý tưởng hay nhưng do đưa ra nhiều cách giải quyết mà chưa có điều kiện đi sâu vào một cách giải quyết nào cụ thể nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh một số đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, còn một số ít đề tài chưa thực sự được quan tâm đúng mức về mặt khoa học, còn đơn giản và thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy BGK rất mong các cơ sở giáo dục trung học, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo hãy khuyến khích các em xây dựng các đề tài nghiên cứu xuất phát từ chính suy nghĩ của các em, điều này sẽ đem lại nhiều điều lý thú, đôi khi là những thành công bất ngờ. Và như vậy sẽ đáp ứng tốt hơn với mục đích của cuộc thi là khơi dạy tiềm năng, ý tưởng và tính sáng tạo của các em ở lứa tuổi học sinh trung học.

“Qua cuộc thi này, chúng tôi muốn gửi đôi lời tới quý vị phụ huynh và thầy cô giáo hãy tự hào về con em của mình! Tất cả chúng ta hãy chung tay giúp đỡ các em, nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học của các em. Và rồi đây, chúng ta hy vọng rằng các em sẽ là những nhà khoa học luôn sáng tạo trong tương lai” - PGS.TS Minh nhấn mạnh.

Theo Bộ GD-ĐT, từ ngày 12/3-15/3 tới, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào sẽ chính thức diễn ra ở Thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tham gia cuộc thi ở khu vực phía Nam có 33 đơn vị (32 sở GDĐT, 1 trường đại học). Có tổng số 206 dự án, trong đó cấp THPT: 160 dự án, 279 học sinh; Cấp THCS: 46 dự án, 79 học sinh. Tổng số lĩnh vực dự thi là 19, đặc biệt lĩnh vực Toán học có 3 đề tài.

Nguyễn Hùng